Những thay đổi chính sách từ Fed
Kể từ đầu năm 2019 đến nay, định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có nhiều thay đổi.
Thay vì tiếp tục xu hướng bình thường hóa thông qua tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối tài sản như đã thực hiện trong năm 2018, Fed đã chuyển sang một trạng thái điều hành CSTT mang tính trung lập hơn.
Cụ thể, định hướng điều hành CSTT của NHTW Mỹ Fed trong cuộc họp diễn ra vào tháng 3 đã thể hiện 3 nội dung chính: Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm 2019; bác bỏ toàn bộ các dự báo về việc tăng lãi suất trong năm 2019 đã đưa ra trước đây; và sẽ kết thúc chương trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán vào cuối tháng 9/2019.
Sự thay đổi trong quan điểm điều hành CSTT của Fed xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng hiện hữu, đe dọa đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, xu thế bình thường hóa CSTT của Fed đã kéo theo sự gia tăng mạnh vị thế của đồng USD trong giai đoạn vừa qua, từ đó tạo các áp lực lên NHTW tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển, khiến NHTW các nước này phải tăng lãi suất để giải cứu đồng nội tệ và khiến thanh khoản toàn cầu bị thắt chặt hơn.
Tuy nhiên, một lý do quan trọng khiến Fed phải thay đổi định hướng chính sách điều hành lại xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Quá trình leo thang căng thẳng thương mại và việc áp dụng thuế quan đã biến câu chuyện này thành một mối lo thường trực đối với đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, việc giá cả gia tăng do thuế có thể chỉ là yếu tố tạm thời, và Fed có khả năng sẽ bỏ qua điều này. Tuy nhiên, tác động lớn hơn từ việc tăng thuế là nó có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chi tiêu tiêu dùng và kìm hãm tăng trưởng kinh tế; đặc biệt nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang và chính quyền của Tổng thống Trump hiện thực hóa lời đe dọa tăng thuế đối với khối lượng hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 325 tỷ USD.
Theo khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế học, việc Mỹ áp thuế với Trung Quốc có thể tác động đến tăng trưởng ngay trong quý II. Cụ thể, tổ chức này ước tính tăng trưởng quý II có thể chỉ còn khoảng 2%, từ dự báo 2,6% trước đó.
Trong khi đó, theo ước tính của Stanley, đợt tăng thuế mới nhất có thể khiến GDP Mỹ mất 0,2% năm nay. Con số này cũng khớp với các dự báo của Oxford Economics, Societe Generale và Morgan Stanley, với mức giảm 0,1% - 0,3%, một phần dựa trên kịch bản Trung Quốc trả đũa bằng việc nâng thuế tương tự.
Các chuyên gia cho rằng, tác động của các quyết định về thuế mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào tình hình lạm phát. Citigroup và nhiều tổ chức khác đã dự báo giá cả tại Mỹ sẽ tăng nhẹ.
Kinh tế Mỹ vốn đã có nhiều số liệu trái chiều và khó đánh giá bức tranh tổng thể. GDP quý I của nước này tăng mạnh hơn dự báo, do các công ty đẩy mạnh hoạt động để tránh hạn chót thuế Mỹ áp với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia đều đánh giá, dựa vào các yếu tố nền tảng, tăng trưởng của Mỹ đang có xu hướng yếu đi.
Với mức thuế mới 25% mà Washington vừa chính thức đánh vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các thị trường đang đánh cược rằng từ nay đến tháng 12/2019, Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm để ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế. Trên thực tế, Chủ tịch Fed Atlanta - Raphael Bostic đã cho biết Fed có thể giảm lãi suất nếu việc tăng thuế khiến chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh.