Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam


Trong những ngày Tết, ở những làng quê Việt Nam sẽ tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều trò chơi dân gian thú vị. Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Điện Biên, đảm nhiệm 2 tờ báo lớn của tỉnh là báo hình và báo nói, có chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quản lý thống nhất kỹ thuật phát thanh truyền hình trên địa bàn tỉnh.

 Trong những ngày Tết, ở những làng quê Việt Nam sẽ tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều trò chơi dân gian thú vị.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 1

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Âm lịch là dịp lễ đặc biệt nhất trong năm đối với người dân Việt Nam. Đây là dịp tất cả các thành viên trong gia đình dù đang ở bất cứ nơi đâu đều sẽ quay trở về sum họp, đoàn tụ với gia đình và người thân.

Không chỉ là Tết đoàn viên, dịp đầu xuân năm mới còn là "mùa" của những lễ hội. Trong dịp này, mỗi địa phương trên toàn dải đất chữ S, đặc biệt là ở những làng quê Việt Nam sẽ tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều trò chơi dân gian thú vị.

Ở xã hội hiện đại ngày nay, các trò chơi dân gian dường như không còn được nhiều người biết đến song ở nhiều làng quê, những trò chơi này vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm, đặc biệt là vào dịp hội làng giúp những người thân, người hàng xóm có cơ hội gắn kết với nhau hơn.

Mỗi địa phương sẽ tổ chức những trò chơi dân gian khác nhau theo sở thích và đặc điểm của từng vùng miền. Tuy nhiên hiện vẫn có một số trò dân gian nổi bật mà chắc hẳn ai cũng đều biết.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 2

Kéo co là trò chơi phổ biến tại Việt Nam, không chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán mà còn là những dịp như hội làng hay những hoạt động vui chơi thường ngày. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa, kéo co còn là trò chơi đề cao tinh thần tập thể, sự đoàn kết của người chơi.

Đây là trò chơi khá đơn giản với đạo cụ là một chiếc dây thừng. Mỗi phần thi kéo co thường sẽ có 3 hiệp thi đấu, đội nào giành chiến thắng trong 2 hiệp đấu sẽ là đội giành chiến thắng. Trò chơi dân gian này đòi hỏi số lượng người chơi lớn, chia đều thành 2 đội.

Thành viên mỗi đội sẽ đứng ở hai bên đầu dây, đợi hiệu lệnh từ trọng tài rồi ra sức kéo dây về phía đội mình. Ở giữa dây thừng thường sẽ được buộc một chiếc khăn màu đỏ và kẻ một vạch mốc ở phần sân. Đội nào kéo được phần khăn buộc qua vạch mốc thì sẽ giành chiến thắng.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 3

Đi cầu kiều là một trò chơi dân gian nổi tiếng ở vùng đồng bằng Bắc bộ, tuy nhiên hiện tại còn rất ít nơi tổ chức trò chơi này.

Trò chơi thường được tổ chức ở các làng, quê có ao đình hay giếng làng. Người dân sẽ chọn một thân tre to và thẳng, một đầu buộc trên bờ và đầu còn lại buộc vào đầu cọc ở giữa ao. Phía cuối thân tre sẽ được treo một bao lì xì đỏ hoặc một phần quà. Người chơi nếu đi hết từ trong bờ ao ra đến chỗ cuối cầu treo đó sẽ được nhận bao lì xì hoặc một phần quà.

Đây là trò chơi rất thú vị nhưng cũng rất khó, đòi hỏi người chơi phải giữ được thăng bằng tốt. Trò chơi này đem lại rất nhiều tiếng cười cho người xem bởi nhiều người chơi bị ngã xuống ao khi chưa lấy được giải thưởng. Có người vừa kịp túm lấy giải thì cũng là lúc bị rơi xuống nước. Mặc dù trò chơi dân gian này khá vất vả song nhiều người vẫn rất thích thú khi tham gia.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 4

Không chỉ là một trò chơi dân gian, đấu vật còn là một môn thể thao được tổ chức thi tài vào dịp Lễ, Tết, hội làng ở nhiều địa phương. Đây sẽ là cuộc đấu giữa 2 "võ sĩ" trên sân được nhiều người bao quanh thành vòng tròn với trọng tài là người sẽ điều khiển và giám sát trận đấu.

Không chỉ là sức khỏe, đấu vật đòi hỏi sự thông minh, mưu trí và nhanh nhẹn của người tham gia. Về mặt kỹ thuật, môn đấu vật cũng có những chiêu riêng như đệm, bốc, ghì… giúp võ sĩ hạ gục đối phương.

Ở Việt Nam ngoài đấu vật ngày Tết còn có nhiều hội vật Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động… Xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng cả một vùng.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 5

Đập niêu là trò chơi dân gian phổ biến nhất mỗi dịp Tết đến xuân về, đặc biệt là ở các vùng miền quê phía Bắc. Trò chơi thường được tổ chức ở những không gian rộng rãi và thu hút nhiều người chơi.

Đạo cụ của trò chơi dân gian đập niêu rất đơn giản, bao gồm niêu đất, một chiếc gậy đập và những chiếc cột được buộc lại làm giá treo niêu. Mỗi chiếc niêu đất sẽ được buộc cách mặt đất khoảng từ 3-5m và có kẻ vạch cho người tham gia.

Người tham gia trò chơi đập niêu sẽ được bịt mắt bằng khăn vải và cầm trên tay một chiếc gậy đập niêu. Mỗi người tham gia sẽ đứng ở vạch xuất phát. Trước khi bịt mắt, người chơi được quan sát và ước lượng sao cho cú đập trúng đích niêu. Mỗi lượt chơi sẽ chỉ có 1 lần đập duy nhất và người chơi sẽ cố gắng xác định vị trí của niêu đất theo trí nhớ và "niềm tin" của mình. Trong quá trình tham gia, người xem cũng sẽ giúp cho người chơi rất nhiều bằng những lời chỉ dẫn. Phần thưởng dành cho người thắng ở cuộc chơi này thường rất lớn.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 6

Lễ hội đua thuyền đã xuất hiện từ rất lâu đời tại Việt Nam. Đua thuyền không chỉ là một trò chơi dân gian mà đó còn là một hình thức thực hiện nghi lễ với thủy thần, xuất phát từ tục cầu nước của cư dân nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực.

Mỗi chiếc thuyền sẽ được trang trí màu sắc khác nhau và treo cờ. Khi tiếng còi vang lên, từng mũi thuyền sẽ lao vun vút về phía trước. Các đội thi đấu đều dùng hết sức mình để chèo thuyền trong sự cổ vũ, reo hò của khán giả xung quanh. Tất cả tạo nên không khí vui tươi cho những ngày Tết.

Đua thuyền hiện nay không chỉ đơn thuần là một hoạt động tín ngưỡng mà còn trở thành một môn thể thao hấp dẫn vào những dịp đầu năm, lễ, hội… với quy mô lớn, thu hút nhiều đối tượng tham gia.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 7

Cờ người là một phiên bản hoàn toàn khác lạ của bộ môn cờ tướng. Không còn là những quân cờ trên bàn, con người sẽ trực tiếp tham gia vào "bàn cờ khổng lồ" để tạo nên một trò chơi hấp dẫn, thú vị dịp đầu năm.

Những người tham gia vào bộ môn cờ người đều là những cao thủ cờ tướng. Một bàn cờ thật thường được tổ chức ở những nơi rộng rãi như sân đình. Giống như bàn cờ tướng, cờ người cũng có 32 người theo vai trò của 32 quân cờ, chia làm 2 đội. Thường 2 đội sẽ mặc 2 màu trang phục khác nhau (đỏ và đen), đứng tại các vị trí tương ứng trên bàn cờ. Trước ngực mỗi người chơi sẽ đeo một bảng tên của các quân cờ. Nhiều địa phương thậm chí còn mặc trang phục tượng trưng cho 32 quân cờ khác nhau.

Sau khi có tiếng báo hiệu trận đấu bắt đầu, các đối thủ cầm quân đỏ sẽ đi nước đầu tiên, sau đó đến quân đen và thay phiên nhau. Mỗi khi quân cờ này "ăn" quân cờ khác, các đấu thủ sẽ biểu diễn một màn song đấu ngay trên bàn cờ nhằm tạo không khí vui vẻ cho cuộc thi.

Cờ người đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt Nam mỗi dịp Lễ tết của người dân hai miền Nam, Bắc. Bộ môn dân gian thường xuyên được tổ chức và thu hút rất nhiều người tham gia theo dõi, cổ vũ.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 8

Nếu như trò "bịt mắt bắt vịt" được tổ chức ở dưới nước thì "bịt mắt bắt lợn" trên cạn là trò chơi cũng được nhiều người ưa chuộng không kém. Đây là trò chơi thường thấy ở những dịp hội làng ở các vùng quê Việt Nam.

Bắt lợn được tổ chức trên cạn, ban tổ chức sẽ quây một vòng tròn rộng bằng nan tre hoặc nan lứa và đổ đầy cát ở bên trong. Mỗi lượt sẽ có một người tham gia và người chơi phải bịt mắt lại. Sau khi bịt mắt, người chơi sẽ nghe theo lời chỉ dẫn của các khán giả để bắt được lợn. Tuy nhiên, để bắt được lợn là điều không hề dễ dàng.

Trò chơi bắt lợn được quy định trong một khoảng thời gian nhất định và phần thưởng dành cho người thắng cuộc chính là chú lợn mà người chơi bắt được.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 9

Trong dịp Lễ hội ở một số địa phương ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, "thổi cơm thi" đã trở thành bản sắc riêng khó có thể hòa lẫn.

Nguyên liệu chuẩn bị cho cuộc thi bao gồm thóc, sẵn củi, chưa có lửa, chưa có nước. Các đội sẽ phải làm gạo, tạo ra lửa, đi lấy nước về nấu cơm. Cuộc thi có ba bước: thi làm gạo; tạo lửa, lấy nước và thổi cơm.

Thường mỗi đội chơi sẽ bao gồm 10 người cả nam và nữ, họ sẽ tự xay thóc, giã gạo, dần sàng, lấy lửa, nước và nấu cơm. Cuộc thi diễn ra sôi nổi khi nồi cơm của đội giành chiến thắng sẽ được đem để cúng thần. Tiêu chuẩn của một nồi cơm đạt chuẩn là cơm phải chín dẻo, ngon, trắng và được hoàn thành trong khoảng thời gian sớm nhất.

"Thi thổi cơm" cũng là một trò chơi được nhiều người ưa thích do không chỉ đem lại không khí vui vẻ mà còn tạo nên nét truyền thống cho nền văn hóa Lễ Tết tại Việt Nam.

Những trò chơi dân gian trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh 10

 

Theo VTV