Những tỷ phú công nghệ "trắng tay" trong chớp mắt
Các startup công nghệ thất bại là chuyện bình thường. Tuy nhiên, giữa thương trường cạnh tranh khốc liệt, để tồn tại lâu dài lại là điều không dễ dàng.
Nữ tỷ phú "trắng tay" vì tội lừa đảo
Vào hồi tháng 3/2018, Theranos, công ty startup hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thiết bị thử máu đã bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cáo buộc lừa đảo các nhà đầu tư với số tiền lên đến 700 triệu USD.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho biết, Elizabeth Holmes và công ty startup Theranos của cô đã lừa dối các nhà đầu tư về công nghệ của công ty. SEC cũng cho biết công ty Theranos đã nói dối rằng các sản phẩm của họ đã được sử dụng trong quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan.
Với phán quyết của SEC đưa ra, Holmes sẽ mất quyền kiểm soát công ty và bị phạt 500.000 USD. Một quan chức của SEC đã gọi bản án này là một "bài học quan trọng cho Thung lũng Silicon".
Theranos được thành lập vào năm 2003, khi Holmes mới 19 tuổi, và hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thiết bị thử máu.
Công ty này cho biết thiết bị Edison có thể kiểm tra các căn bệnh như ung thư và cholesterol chỉ với một vài giọt máu từ ngón tay, thay vì lấy máu từ tĩnh mạch.
Vào năm 2015, tạp chí Forbes ước tính tài sản ròng của Holmes ở mức khoảng 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng vào năm đó, tờ Wall Street Journal cho rằng thiết bị của Theranos có lỗi và không chính xác.
Tỷ phú công nghệ Trung Quốc nợ nần, sống thua người thường
Lou Yonghao - nhà sáng lập hãng smartphone Smartisan - là thành viên mới nhất của nhóm tỷ phú nợ nần. Ông Lou từng lớn tiếng muốn đánh bại Apple tại thị trường Trung Quốc, nhưng bài viết được nhiều người quan tâm gần đây của ông lại là tâm thư trên Weibo có tựa đề "Lời thú tội của một CEO nợ nần".
Ông Luo từng được coi như một thần tượng của giới trẻ. Chủ nghĩa hoàn hảo của nhà sáng lập này khiến nhiều người so sánh Smartisan với Apple, còn dịch vụ tin nhắn của họ với WeChat.
Những sự kiện ra mắt sản phẩm của Smartisan đều bán vé và luôn hết sạch. Dù vậy, thực tế kinh doanh của Smartisan không mấy sáng sủa, khiến nhà sáng lập ngập trong đống nợ.
Sau 5 năm, nợ nần và kiện tụng khiến Yonghao bị cho vào danh sách đen cấm sử dụng các dịch vụ đắt tiền như máy bay, tàu cao tốc, câu lạc bộ golf hay gửi con vào trường tư cao cấp.
Jia Yueting, nhà sáng lập LeEco bị đưa vào "danh sách đen" tại Trung Quốc vì nợ không trả đúng hạn
Jia Yueting, nhà sáng lập LeEco là người bị đưa vào "danh sách đen" tại Trung Quốc vì nợ không trả đúng hạn, theo phán quyết của tòa án. Những người này còn được gọi với từ "lão lai", chỉ những người nợ mãi không trả.
Ngoài việc không được hưởng những dịch vụ đắt tiền như máy bay hay tàu cao tốc, một số địa phương còn dùng những hình phạt nặng hơn như đưa mặt người nợ lên bảng quảng cáo, hoặc đưa lên màn hình trước khi chiếu phim.
Ông Jia từng rất thành công với LeTV, một trong những nền tảng xem phim trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên khi mở ra công ty sản xuất phần cứng LeEco và công ty xe điện Faraday Future, tình hình kinh doanh không còn thuận lợi.
Faraday Future từng tuyên bố sẽ thách thức Tesla tại Mỹ, nhưng công ty này đã phá sản vào tháng 10. Những khoản nợ của ông Jia khiến ông bị đưa vào danh sách đen từ năm 2017.
Dai Wei, nhà sáng lập hãng chia sẻ xe đạp Ofo
Trong cơn sốt chia sẻ, Ofo từng dẫn dắt ngành chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc với mục tiêu hoạt động tại 200 thành phố năm 2017. Có thời điểm công ty này được định giá trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên mức độ cạnh tranh của các công ty chia sẻ xe đạp rất gắt gao, khoản nợ thì ngày càng nhiều, và nhà sáng lập Dai Wei bị đưa vào danh sách đen năm 2018.
Tuy nhiên mức độ cạnh tranh khủng khiếp, khoản nợ ngày càng nhiều khiến Dai Wei bị đưa vào danh sách đen vào năm 2018.
Ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc cũng sụp đổ, còn Ofo đã thu hẹp hoặc rút hoàn toàn các hoạt động mở rộng ra thị trường nước ngoài, bao gồm cả các dự án ở Mỹ, Nhật Bản và Singapore. Ở trong nước, dù Ofo chưa chính thức tuyên bố ngừng kinh doanh nhưng người dùng cho biết họ hiếm khi thấy những chiếc xe đạp màu vàng trên đường phố.
Con trai tỷ phú giàu nhất Trung Quốc bị niêm phong tài sản vì nợ nần
Vương Tư Thông có thể là đại gia công nghệ tiếp theo bị đưa vào danh sách nợ nần. Là con trai tỷ phú Vương Kiện Lâm giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản 12,3 tỷ USD, Vương Tư Thông nắm giữ một phần tài sản của cha. Nhờ sự giúp đỡ tài chính từ cha, anh đã tạo ra đế chế kinh doanh riêng khi thành lập Panda TV, một trong những kênh streaming hàng đầu Trung Quốc, Công ty giải trí Banana Plan Entertainment Culture và Invictus Gaming, tổ chức eSports quản lý đội tuyển Dota 2 và League of Legends.
Tháng 10 vừa qua, Vương Tư Thông bị Tòa án Bắc Kinh cấm bay khoang hạng nhất, không được mua đồ xa xỉ như nhà cửa, ôtô sau khi không trả khoản nợ 3,6 triệu tệ. Lệnh cấm được tòa tuyên, sau khi một trong những công ty do Vương Tư Thông làm chủ đã không bồi thường 3,6 triệu tệ (11,9 tỷ đồng) sau khi thua kiện liên quan đến kinh doanh.
Ngoài bị cấm bay khoang hạng nhất, mua nhà cửa, ôtô, Vương Tư Thông cũng không được đón tiếp tại các khách sạn, câu lạc bộ và sân golf cao cấp. Thậm chí ngay việc thuê văn phòng, công tử họ Vương cũng bị ngăn cấm.
Đây là hình phạt dành cho Vương Tư Thông, 31 tuổi, do thiếu gia này không chịu bồi thường 3,6 triệu nhân dân tệ (515.000 USD) dù Công ty Shanghai Panda Entertaiment của Vương thua kiện một người dẫn chương trình eSports. Ngoài ra, Vương Tư Thông còn nợ tới 21,6 triệu USD.