Tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2012, cả nước có 846 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản hơn 2.569 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1.019 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu đạt hơn 1.709 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 166,9 nghìn tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 221,6 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, năm 2012 - 2013, các DNNN đã đóng góp khoảng 30% thu ngân sách nhà nước NSNN và hơn 33% GDP, hơn 80% DNNN có lãi, vốn chủ sở hữu tăng 26% so với năm 2011, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,37%, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,52 lần. Tuy nhiên, việc duy trì mục tiêu tăng trưởng nhanh trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới các DNNN khi các DNNN tập trung mở rộng sản xuất, đầu tư theo chiều rộng mà chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu, đầu tư quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.

Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước có tổng tài sản là 2.392.274 tỷ đồng, tăng 28% so với thực hiện năm 2011. Tổng doanh thu đạt 1.572.983 tỷ đồng, bằng 105% so với kế hoạch năm 2012, tăng 4% so với thực hiện năm 2011; trong đó có nhiều TĐ, TCT có mức doanh thu lớn như: TĐ Dầu khí Quốc gia, đạt 350.210 tỷ đồng, TĐ Điện lực Việt Nam đạt 138.515 tỷ đồng, TCT Bưu chính Viễn thông đạt 85.498 tỷ đồng, TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam đạt 21.581 tỷ đồng, TCT Hàng không Việt Nam đạt 66.876 tỷ đồng, TĐ Hóa chất Việt Nam đạt 41.215 tỷ đồng…

Những vấn đề doanh nghiệp nhà nước đang phải đối mặt trong tiến trình cải tổ - Ảnh 1

Lợi nhuận trước thuế của các TĐ, TCT đạt 156.146 tỷ đồng, bằng 128% so với kế hoạch năm 2012, tăng 13% so với năm 2011. Xét về giá trị, các TĐ, TCT có lợi nhuận cao trên 1000 tỷ đồng chủ yếu là các TĐ, TCT có quy mô lớn như: Dầu khí, Viettel, Điện lực, Cao su, Bưu chính Viễn thông, Hàng không Việt Nam… Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 16,94%. Nộp NSNN của các TĐ, TCT đạt 200.141 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2011. Trong đó, số thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa là 173.656 tỷ đồng, chiếm 87% tổng thu nộp NSNN, tăng lớn nhất là thuế giá trị gia tăng, tăng 45% so với năm 2011 và chiếm 25% tổng số thu NSNN.

Tuy nhiên, tổng số nợ phải trả của các TĐ, TCT là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần (41 công ty mẹ, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần). Báo cáo của công ty mẹ, tổng số nợ phải trả là 717.264 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 0,84 lần; hệ số tự tài trợ bình quân (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản) là 0,53 lần. Hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/ tổng tài sản) bình quân là 0,45 lần. Một số TĐ,TCT đang có nợ quá hạn như: TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam (nợ quá hạn 2.174 tỷ đồng); TCT Hàng hải Việt Nam (6.681 tỷ đồng); TCT Cà phê Việt Nam (153 tỷ đồng); TCT Máy và Thiết bị công nghiệp (84 tỷ đồng); TCT Chè Việt Nam (26 tỷ đồng); Công ty Haprosimex – Hà Nội (32 tỷ đồng); Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ Quốc tế – Hà Nội (13 tỷ đồng); TCT Xây dựng Sài Gòn (6 tỷ đồng)...

Đề xuất một số giải pháp

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các TĐ, TCT nhà nước và việc quản lý, giám sát đối với các TĐ, TCT phù hợp với đặc điểm ngành kinh tế và thực tiễn của Việt Nam. Cụ thể là: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển trong trung và dài hạn một cách hợp lý, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh quốc tế; Phân loại để sắp xếp, thu hẹp phù hợp ngành, lĩnh vực hoạt động và số lượng DN 100% vốn nhà nước hiện có.

Thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ, TCT nhà nước; tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Sắp xếp lại, tái cấu trúc các tổng công ty nhà nước hiện có theo ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, sau đó, tiến hành cổ phần hóa tạo điều kiện hình thành TĐ, TCT nhà nước đa sở hữu mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với các DN kinh doanh cùng ngành trong khu vực. Hoàn thiện khung pháp lý để DNNN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư.

Đối với những DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực cần duy trì 100% vốn nhà nước, xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ giao cho DN, rà soát lại để có cơ cấu hợp lý, tập trung hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề chính, có hiệu quả, sức cạnh tranh và thực hiện tốt hơn vai trò và nhiệm vụ được giao; thoái vốn đầu tư vào ngành không phải ngành kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan đến ngành kinh doanh chính của từng DN; Hoàn thiện cơ chế tài chính để đảm bảo người lao động có mức thu nhập hợp lý, DN có lãi, thu hút được nguồn lực của xã hội tham gia. Mở rộng chế độ đấu thầu, đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. DNNN được Nhà nước giao làm nhiệm vụ công ích hoặc bình ổn giá, thì Nhà nước có cơ chế, chính sách để DN hạch toán kinh doanh và thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo các đề án sắp xếp tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đổi mới quản trị để DNNN mà trọng tâm là các TĐ, TCT nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Có cơ chế quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị... của DN. Rà soát, đánh giá để bố trí đúng cán bộ chủ chốt của TĐ, TCT; Sớm ban hành quy định công khai kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tài chính DN, đồng thời với việc tăng cường trách nhiệm giải trình của lãnh đạo DN và cơ quan quản lý nhà nước, các DN phải được kiểm toán hàng năm; Xác định cụ thể và làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc DN trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước để bảo đảm quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản. Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, đánh giá cán bộ quản lý ở DNNN…

Thứ ba, tăng cường chức năng giám sát của chủ sở hữu đối với DNNN, nhất là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật và nâng cao khả năng quản trị DN. Xây dựng cơ chế trao đổi thường xuyên các thông tin kinh tế - xã hội với các TĐ, TCT để đề xuất và giải quyết kịp thời các vướng mắc của TĐ, TCT.

Những vấn đề doanh nghiệp nhà nước đang phải đối mặt trong tiến trình cải tổ - Ảnh 2

Đối với các doanh nghiệp

- Trên cơ sở xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh, các DNNN đặc biệt là các TĐ, TCT cần xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển cụ thể, phù hợp với thị trường và khả năng nguồn vốn, năng lực quản lý của mình.

- Rà soát lại các dự án đầu tư, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng những dự án trọng điểm, dự án quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đối với chiến lược phát triển của TĐ, TCT; dừng, hoãn, cắt giảm các dự án đầu tư chưa cần thiết, kém hiệu quả, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài để tập trung vốn và đẩy nhanh tiến độ cho các dự án thuộc ngành, nghề kinh doanh chính mà sớm đem lại hiệu quả.

- Những DNNN đang có khó khăn về mặt tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan. Mặt khác, cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng: đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án và cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc không cần thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.

- Kiện toàn bộ máy quản lý, áp dụng những chuẩn mực quản trị kinh doanh hiệu đại và có hiệu quả cao trong các DNNN. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị cho đội ngũ cán bộ quản lý DN để đáp ứng yêu cầu quản trị DN trong cơ chế thị trường. Chú ý nâng cao năng lực của bộ máy tham mưu, giúp việc.

- Phải hoàn thiện hệ thống quy chế nội bộ đồng bộ, chặt chẽ để bảo đảm hoạt động của các TĐ, TCT và thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ quản lý trong TĐ, TCT đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ động đào tạo, lựa chọn và bố trí cán bộ quản lý phù hợp cho mục tiêu dài hạn. Có chế tài đủ mạnh và quan điểm xử lý kiên quyết đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và DN.

- Có giải pháp đồng bộ, khoa học để phát huy tính dân chủ và tổng hợp được sức mạnh của tổ chức Đảng, các tổ chức xã hội đoàn thể và người lao động trong việc giám sát hoạt động quản lý, điều hành của những cán bộ lãnh đạo các cấp trong TĐ, TCT nhà nước bảo đảm đúng pháp luật, không làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, DN và người lao động.

- Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ cả về bộ máy thực hiện và cơ chế làm việc, nhất là kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

- Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; hạn chế dần các sản phẩm gia công, sản phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, sản phẩm không gắn với tiêu chuẩn môi trường để tăng cường hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững.

- Có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, thực hiện đúng các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý, nâng cao tính chuyên môn hóa và hợp tác hóa giữa các đơn vị thành viên để giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh, chủ động công tác xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường các nước trên thế giới, qua đó quảng bá hình ảnh, hàng hóa của Việt Nam với các TĐ kinh tế và thị trường lớn, có tiềm năng trên thế giới; tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế, các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư vốn vào Việt Nam.

- Chủ động tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn ngoài NSNN để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế khác để phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực, trong đó ưu tiên những ngành, lĩnh vực áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới và phương pháp quản lý tiên tiến; có cơ chế tạp điều kiện cho các TĐ, TCT phối hợp với các DN thuộc các thành phần kinh tế trong nước nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong thực hiện các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước; tạo điều kiện gắn kết hoạt động của các DN nhỏ và vừa với các TĐ, TCT trong việc phát triển chuỗi công nghiệp phụ trợ.

- Đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm số lượng DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại các DN thành viên theo hướng chuyên môn hóa cao, hợp tác hóa tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh.

Những vấn đề doanh nghiệp nhà nước đang phải đối mặt trong tiến trình cải tổ

ThS. PHAN THỊ THÙY LINH

(Tài chính) Vượt qua những khó khăn, thách thức đặt ra trong năm 2012-2013, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục có những bước phát triển, đã đóng góp trên 30% thu ngân sách nhà nước, khoảng trên 33% GDP; trên 80% DN hoạt động có lãi… Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của DNNN, cần có sự hợp lực từ nhiều phía nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp trong năm 2014 - 2015.

Xem thêm

Video nổi bật