Những vòng gọi vốn lớn nhất của startup trong 10 năm qua
Crunchbase (nền tảng tìm kiếm thông tin về kinh doanh và startup) thống kê các vòng gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất mỗi năm trong thập niên 2010. Danh sách của Crunchbase không tính đến các công ty dược phẩm.
Năm 2010: Better Place huy động thành công 350 triệu USD trong vòng Series B
Hãng xe điện Better Place của Israel là startup huy động được nhiều tiền nhất trong một vòng gọi vốn năm 2010 với 350 triệu USD. Sau đó, công ty này tiếp tục gọi vốn thành công 2 vòng khác với số tiền lần lượt là 200 triệu USD và 100 triệu USD. Tổng cộng, Better Place nhận được số tiền đầu tư 945 triệu USD. Công ty này tuyên bố phá sản vào năm 2013. (Ảnh: AP)
Năm 2011: JD.com được đầu tư 1,5 tỷ USD trong vòng Series C
JD.com là startup đầu tiên huy động thành công số tiền trên 1 tỷ USD trong một vòng gọi vốn của thập niên 2010. Đây cũng là vòng gọi vốn lớn nhất trong lịch sử của công ty này. JD chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ năm 2014 và hiện là một trong những hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Năm 2012: GreatPoint Energy huy động thành công 400 triệu USD trong vòng Series D
Năm 2012, công ty năng lượng GreatPoint Energy hoàn tất vòng gọi vốn Series D với giá trị 400 triệu USD từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Wanxiang America. Đây cũng là thương vụ huy động vốn lớn nhất năm và lịch sử công ty. Cũng trong năm này, Axel Springer Digital Classified được đầu tư 312 triệu USD và JD.com gọi được 250 triệu USD trong vòng Series D. (Ảnh: Youtube)
Năm 2013: Pivotal được đầu tư 946 triệu USD trong vòng Series A
Pivotal là công ty dịch vụ và phần mềm đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại San Francisco. Trước khi trở thành công ty đại chúng, Pivotal huy động thêm 758 triệu USD trong 2 vòng gọi vốn nữa (105 triệu USD vòng Series B và 653 triệu USD vòng Series C). (Ảnh: Reuters)
Năm 2014: Uber huy động thành công 1,4 tỷ USD trong vòng Series D
Fidelity là nhà đầu tư dẫn đầu vòng gọi vốn Series D của Uber năm 2014. Dù 1,4 tỷ USD là số tiền không nhỏ nhưng đây không phải khoản đầu tư lớn nhất hãng gọi xe này huy động được. Uber được Quỹ đầu tư công của Arab Saudi đầu tư 3,5 tỷ USD trong vòng Series G và huy động thành công 7,7 tỷ USD từ thị trường tài chính thứ cấp trong năm 2017. (Ảnh: Bloomberg)
Năm 2015: Airbnb được đầu tư 1,5 tỷ USD trong vòng Series E
Năm 2015 chứng kiến nhiều vòng gọi vốn từ 1 tỷ USD của các startup. Trong đó, nền tảng đặt và cho thuê phòng Airbnb dẫn đầu với 1,5 tỷ USD trong vòng Series E; Uber huy động được 1 tỷ USD vòng Series E và 1 tỷ USD trong vòng Series F; Lyft và SoFi cũng gọi vốn thành công 1 tỷ USD. (Ảnh: Getty Images)
Năm 2016: Didi Chuxing và Ant Financial cùng huy động được 4,5 tỷ USD
Các hãng gọi xe là những startup được nhắc đến nhiều nhất tại Mỹ và Trung Quốc trong thập niên 2010. Didi Chuxing huy động được 4,5 tỷ USD trong năm 2016, bằng số tiền công ty tài chính dịch vụ Ant Financial được đầu tư. Cũng trong năm này, Uber huy động được 3,5 tỷ USD trong vòng Series G và Meituan-Dianping nhận được 3,3 tỷ USD. (Ảnh: CNN)
Năm 2017: WeWork được đầu tư 4,4 tỷ USD trong vòng Series G
Trước khi IPO thất bại và gặp hàng loạt bê bối trong năm 2019, startup không gian làm việc chung WeWork là “ngôi sao đang lên” và thu hút nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới. Vòng Series G của WeWork, dẫn đầu là quỹ Vision Fund của SoftBank cũng là vòng gọi vốn lớn nhất của startup này tính đến nay. (Ảnh: Reuters)
Năm 2018: Ant Financial được đầu tư 14 tỷ USD trong vòng Series C
Ant Financial nắm giữ một số kỷ lục theo thống kê của Crunchbase: công ty có vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm lớn nhất năm 2018, vòng gọi vốn lớn nhất thập kỷ (14 tỷ USD) và là công ty duy nhất 2 lần có vòng gọi vốn lớn nhất năm (năm 2016 và 2018). (Ảnh: Reuters)
Năm 2019: Tenglong Holding Group huy động thành công 3,7 tỷ trong vòng Series A
Hãng công nghệ và dữ liệu Tenglong Holding Group là công ty huy động được vốn đầu tư mạo hiểm nhiều nhất năm 2019. Morgan Stanley Venture Partners là nhà đầu tư dẫn đầu vòng Series A của công ty này. Ngoài Telong, một số startup khác của Trung Quốc cũng huy động được hàng tỷ USD trong năm 2019 như Kuaishou Technology và Chehaduo. (Ảnh: Franki Chamaki/Unsplash)