Top 100 công ty giá trị nhất toàn cầu đạt mức vốn hóa kỷ lục 21 nghìn tỷ USD
Theo bảng xếp hạng Top 100 Toàn cầu (Global Top 100) do PwC vừa công bố, giá trị vốn hóa thị trường của 100 công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới đã tăng 1.040 tỷ USD (5%) trong vòng 12 tháng.
Mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 15% trong nghiên cứu năm 2018. Điều này phản ánh các thách thức lớn hơn đến từ thị trường.
Sự tăng trưởng vốn hóa thị trường trong năm qua chủ yếu nhờ vào các công ty Mỹ, dựa trên nền tảng là môi trường kinh tế vững chắc. Nhóm các công ty Trung Quốc (-4%) và châu Âu (-5%) trong bảng xếp hạng đã giảm sút về vốn hóa thị trường, khác hẳn với năm ngoái.
Lĩnh vực công nghệ tiếp tục chiếm ưu thế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm qua là trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiêu dùng và viễn thông.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp các công ty Mỹ chiếm hơn một nửa (54%) các vị trí trong Top 100 Toàn cầu. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty này đã tăng 9%, cao hơn trung bình toàn thế giới. Các công ty Mỹ hiện nay chiếm 63% tổng vốn hóa thị trường toàn cầu, cao hơn tỷ lệ 61% năm ngoái.
Các công ty Trung Quốc (bao gồm Hong Kong, Macao, Đài Loan) là nhóm lớn thứ 2 trong Top 100 toàn cầu về tổng giá trị vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, tổng giá trị này đã giảm 4% trong 12 tháng qua do những bất ổn về thương mại quốc tế và tác động lên tâm lý thị trường trong nước. Xu hướng này trái ngược với mức tăng 57% trong năm 2018, khi có thêm 3 công ty Trung Quốc lọt vào Top 100 toàn cầu và 2 công ty vươn lên Top 10.
Những thách thức địa chính trị, bao gồm sự mơ hồ về Brexit, có khả năng đã tác động đến các công ty có trụ sở tại châu Âu trong bảng xếp hạng trong năm qua. 3 công ty có trụ sở tại châu Âu đã rời khỏi Top 100 toàn cầu. Xét một cách tổng thể thì các công ty châu Âu trong bảng xếp hạng đã giảm 5% giá trị vốn hóa thị trường.
Lĩnh vực công nghệ tiếp tục đứng đầu về vốn hóa thị trường trong Top 100 Toàn cầu, tiếp theo là tài chính ở vị trí thứ 2 và chăm sóc sức khỏe ở vị trí thứ 3. Tăng trưởng trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiêu dùng và viễn thông đều đạt mức 15%. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ chỉ đạt mức tăng 6% vì một số biến động vào cuối năm 2018. Tài chính là lĩnh vực hoạt động yếu hơn cả và đã giảm 3% về vốn hóa thị trường.
Các công ty công nghệ và thương mại điện tử tiếp tục áp đảo Top 10, trong đó Microsoft, Apple, Amazon và Alphabet ở 4 vị trí đầu; Facebook, Alibaba và Tencent lần lượt ở các vị trí thứ 6, 7 và 8.
Giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft đã tăng 202 tỷ USD, tương đương 29% so với năm 2018. Đây là mức tăng tuyệt đối cao nhất trong các công ty và cũng là lý do Microsoft đã vươn lên vị trí đầu bảng. Tiếp sau Microsoft là Apple, Amazon và Alphabet. Nhóm bốn công ty đầu bảng này có giá trị vốn hóa trung bình cao hơn khoảng 40% so với công ty xếp hạng thứ 5 là Berkshire Hathaway (494 tỷ USD).
Bên cạnh các công ty đại chúng, PwC cũng đã phân tích giá trị của 100 công ty start-up kỳ lân (chỉ các start-up tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD) hàng đầu. Phân tích của PwC cho thấy tổng giá trị của 100 công ty này đã tăng 6% lên 815 tỷ USD tính đến ngày 31/03/2019. Mức tăng này khá tương đồng với các công ty đại chúng. Gần một nửa (48%) trong số 100 kỳ lân hàng đầu đến từ Mỹ, cũng phù hợp với xu hướng của Top 100 Toàn cầu.
Đáng chú ý, Trung Quốc chiếm khoảng 30% Top 100 start-up kỳ lân, cả về số lượng và giá trị. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ của các công ty đại chúng Trung Quốc trong Top 100 Toàn cầu. Các start-up kỳ lân được coi là một nguồn quan trọng cho các IPO và thương vụ mua lại trong tương lai. Do vậy, có thể dự đoán rằng sẽ có thêm các công ty Trung Quốc lọt vào Top 100 Toàn cầu trong thời gian tới.
Ông Ross Hunter, Lãnh đạo Trung tâm IPO, PwC Vương quốc Anh cho biết: “Mặc dù các công ty công nghệ không đạt được kết quả tốt như những năm trước, lĩnh vực này vẫn tiếp tục áp đảo trong Top 100 Toàn cầu. Trong đó, 4 đại gia hàng đầu của Mỹ bỏ xa hẳn các công ty còn lại. Về lâu dài, chúng tôi dự đoán rằng tình trạng mất cân bằng này sẽ giảm đi do sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc. Số lượng đông đảo của các công ty start-up kỳ lân đến từ Trung Quốc là dấu hiệu cho sự thay đổi này.”