Những yếu tố tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2025
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cải cách thể chế cùng với các quyết sách dự án đầu tư mới sẽ là hai yếu tố then chốt mở ra kỳ vọng lạc quan cho những năm tiếp theo.

Tại diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025), ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết, cuối năm 2024 đến năm 2025, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội. Những cải cách về thể chế và quyết sách đầu tư mới kỳ vọng sẽ tích cực hơn, giúp cải thiện thực lực tài chính. Bên cạnh đó, kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong 2 - 3 năm trở lại đây phát huy tốt, mở ra cơ hội giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư.
Về xây dựng thể chế, kỳ họp này của Quốc hội dự kiến thông qua 19 Luật và Nghị quyết mang tính quy phạm về phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời Quốc hội đang thảo luận cho ý kiến 12 dự án luật và Nghị quyết khác.

Về cải cách thể chế, ông Phan Đức Hiếu cho hay Quốc hội dự kiến sẽ xem xét nhiều Nghị quyết thí điểm để giải quyết ngay các vấn đề cấp bách, chưa đủ cơ sở xây dựng thành luật, chẳng hạn như Nghị quyết thí điểm giải quyết vấn đề nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Tiếp theo là Nghị quyết thí điểm về xử lý tài sản vụ án dân sự, hình sự.
Còn về các quyết sách đầu tư công, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh đến chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc độ cao với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
“Từ nay đến cuối năm, các quyết sách lớn về kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư lớn và công cuộc về xây dựng, cải cách thể chế kỳ vọng sẽ được khai thông, bứt phá. Các quyết sách thông qua sắp tới sẽ phản ánh mạnh mẽ mục tiêu năm 2025”, ông Hiếu chia sẻ.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB nhận định, năm 2025, xu hướng chung của thị trường thế giới là hạ nhiệt, nên triển vọng tăng trưởng xuất khẩu 2025 có thể không cao như kết quả của năm 2024. Vị chuyên gia này kỳ vọng "đòn bẩy tăng trưởng năm 2025 là chi tiêu công kéo theo tiêu dùng nội địa và đầu tư nội địa".
Nhận định về động lực tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, động lực tăng trưởng năm 2025 đến từ đầu tư công. Nền kinh tế sẽ được dẫn dắt từ cầu đầu tư, trong đó đầu tư Nhà nước là một phần. Cùng với sự phục hồi, kỳ vọng của nền kinh tế đầu tư tư nhân có thể sẽ tăng lên.
"Một trong những đột phá tôi hy vọng trong năm 2025, tiền của đầu tư công sẽ có những quyết sách làm mới, đẩy tiền ra được nhanh. Khi tiền ra thị trường nhiều thì thị trường huy động dễ dàng hơn, giảm áp lực cho ngân hàng có thể duy trì được lãi suất thấp", ông Tú Anh nhận định.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã phân tích các biến số vĩ mô trong nước và quốc tế trong năm 2025, đưa ra những dự báo chính sách tiền tệ và tài khóa, tác động lên môi trường kinh doanh và đầu tư, phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu và đầu tư vào Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nắm bắt những cơ hội này để xây dựng chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả trong giai đoạn tới.