Niềm tin... trở lại
(Tài chính) Tưởng chừng những mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được song “sóng cả không ngã tay chèo”, với sự kiên trì, nhất quán trong điều hành, năm 2014 ngành Ngân hàng đã “cập bến” thành công. Những thành công đó tạo cơ sở quan trọng để tổ chức quốc tế thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam, từ mức “B+” lên “BB-”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Năm 2014, kinh tế vĩ mô tuy diễn biến theo hướng tích cực, lạm phát ổn định ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn cùng kỳ năm 2012 và 2013 nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp. Những khó khăn, thách thức đó, tác động không nhỏ tới điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. “Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành cũng như tích cực trong tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đang dần lấy lại niềm tin của người dân và nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan ghi nhận những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong năm 2014.
Kể từ ngày 1/1/2015, mức lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc chương trình cho vay thí điểm được điều chỉnh giảm 0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 7% xuống còn 6,5%/ năm, lãi suất trung hạn giảm từ 10% xuống 9,5%/năm, lãi suất dài hạn từ 10,5% xuống còn 10%/năm.
Thực vậy, những tiền đề quan trọng như tỷ giá giữ ổn định, biến động không quá 2%; tăng trưởng tín dụng từ 12 đến 14%; lãi suất giảm, thanh khoản ổn định... đã góp phần quan trọng vào đảm bảo kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Những tiền đề này còn là căn cứ quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings thăng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc, từ mức “B+” thành “BB-”.
Tỷ giá, lãi suất và kỳ vọng mới
Năm qua, tỷ giá và lãi suất là hai điểm sáng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ và được kỳ vọng sẽ tiếp tục “tỏa sáng” hơn nữa trong năm 2015. Trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn hiện đã hạ xuống mức 5,5%/năm; các nhà băng lớn chỉ còn niêm yết lãi suất ngắn hạn ở mức 4,5%/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục hạ. Bởi theo chủ trương cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ thì kể từ ngày 1/1/2015, mức lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc chương trình cho vay thí điểm được điều chỉnh giảm 0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm, lãi suất trung hạn giảm từ 10%/năm xuống 9,5%/năm, lãi suất dài hạn từ 10,5% xuống còn 10%/năm. Còn đối với những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ có thời gian vay không quá 18 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu, thì ngân hàng thương mại xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2014, tổng số vốn các ngân hàng cam kết cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp đạt khoảng 7.320 tỷ đồng. Cam kết gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) tài trợ vốn vay ngắn hạn cho dự án cánh đồng mẫu lớn của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Lộc Anh (Đồng Tháp) với tổng giá trị lên đến 980 tỷ đồng. Như vậy, ngay trong những tháng đầu năm 2015 ít nhất sẽ có khoảng 5.000 tỷ đồng vốn cho vay theo chuỗi được điều chỉnh giảm lãi suất.
Ngoài ra, các chương trình tín dụng đặc thù đang được NHNN triển khai như: Cho vay theo chuỗi phục vụ xuất khẩu; chương trình cho vay với các dự án nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao (giảm lãi suất từ 0,5-1%/năm). Với đà này, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi so sánh tương quan với chỉ số lạm phát năm 2014, cơ hội để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên toàn hệ thống ngân hàng là khả thi. Thực tế cuối năm 2014 đã cho thấy, một loạt ngân hàng đã có động thái hạ lãi suất huy động.
Sức bền của hệ thống ngân hàng trong năm 2014 còn được thử thách qua sự kiện “Biển Đông”. “Lúc đó, nếu thị trường vàng và tỷ giá chưa được chấn chỉnh, kỷ cương thị trường chưa được thiết lập lại, rất có thể một lượng lớn tiền đồng đã chuyển thành vàng và USD. Vậy nhưng, nhờ sự chủ động và quyết liệt trong điều hành, thị trường đã ổn định trở lại sau một tuần biến động, tâm lý người dân đã được trấn an...”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Thống kê từ tháng 11/2009 đến nay, Việt Nam đã 5 lần điều chỉnh tỷ giá, mức độ dao động quanh ngưỡng 1%. Ngoại trừ một vài “con sóng nhỏ”, gây xáo trộn thị trường thì tỷ giá và thị trường ngoại hối 4 năm qua cơ bản được giữ ổn định. Đây là cơ sở để dự báo năm 2015, tỷ giá tiếp tục ổn định khi NHNN thực hiện điều chỉnh quanh ngưỡng 1-2%. Theo dự báo, cán cân thanh toán xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2015 có thể vào khoảng 8-9 tỷ USD, như vậy sẽ không phải lo nhiều về mặt cung - cầu USD trong năm. Đánh giá của giới chuyên gia cho thấy, mức độ điều chỉnh 2% trong năm 2015 là hợp lý, bởi nguồn cung ngoại tệ hiện vẫn dồi dào và dự kiến lạm phát của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Năm 2015, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu thô có thể giảm mạnh song sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bởi nguồn thu từ xuất khẩu dự kiến tăng lên do kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực. Bên cạnh đó, giải ngân FDI, kiều hối dự báo vẫn tiếp tục tăng mạnh, dự trữ ngoại hối của NHNN khá dồi dào khiến việc giữ tỷ giá ổn định ở mức trên hoàn toàn nằm trong tầm với của NHNN.
Kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới dự báo sẽ khởi sắc song vẫn còn nhiều bất ổn. Bởi vậy, chính sách điều hành của NHNN vẫn kiên định mục tiêu điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015