Nợ công sẽ không vượt ngưỡng cho phép
(Tài chính) Trước sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công sẽ không vượt giới hạn Quốc hội cho phép, Chính phủ sẽ tăng cường hiệu quả, hiệu lực các dự án đầu tư từ nợ công, tiến tới giảm dần bội chi ngân sách xuống 4% vào năm 2020.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã giải trình về nợ công tại phiên họp toàn thể chiều 30/10 khi Quốc hội thảo luận các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2014.
Bộ trưởng Tài chính cho biết những năm qua, do nhu cầu đầu tư để phát triển của đất nước là rất lớn, lại vào đúng lúc kinh tế thế giới gặp khó khăn, tăng trưởng trong nước thấp hơn kế hoạch nên phải tăng cường đi vay để phục vụ cho đầu tư phát triển.
“Vốn vay đã bổ sung nguồn tiền đáng kể để đầu tư các dự án trọng điểm, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội”, Bộ trưởng Tài chính cho hay.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm trước, dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đã được nêu ra như một điển hình về hiệu quả đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn vay, tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài (dự án “tỷ đô” của Samsung tại Thái Nguyên).
Việc bội chi ngân sách ở mức cao cùng với việc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn ODA cũng là lý do khiến nợ công tăng nhanh từ 50% GDP vào năm 2011 đến 50,8% năm 2012. Năm 2013 nợ công là 54,2% GDP, ước năm 2014 là 60,3%. Đỉnh nợ công sẽ vào năm 2016, gần sát trần Quốc hội cho phép là 65%.
“Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn”, tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết áp lực trả nợ công trong 2 năm 2015 và 2016 là rất cao, nhất là những khoản vay trong nước, có nhiều khoản vay thời hạn ngắn để đầu tư dài hạn nên việc cân đối chi trả khó khăn.
Thời gian qua, ngành tài chính, ngân hàng đã cơ cấu lại những khoản vay trong nước theo hướng thời hạn vay dài hơn và lãi suất vay tốt hơn.
Nguyên nhân khiến nợ công tăng cao như hiện nay còn là do áp lực tăng vay nợ, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ chi cho đầu tư phát triển, tăng mức bảo lãnh cho 2 ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng như cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Thị trường vốn cho phát triển hiện chỉ đáp ứng 50-70% nhu cầu huy động vốn hàng năm. Trong khi đó, khâu huy động, phân bổ sử dụng vốn vay thì chủ yếu căn cứ đề xuất các bộ, ngành địa phương mà chưa đặt ra yếu tố hiệu quả, hạn mức nợ Chính phủ đã cấp. Một số dự án chưa thực hiện tốt khâu thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh tăng quy mô đầu tư nên tăng vay nợ dẫn đến tăng nợ công.
Nhận định áp lực trả nợ công cao trong 2 năm tới, nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định dư nợ công nước ta vẫn trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên bội chi ngân sách sẽ giảm dần xuống còn 4% vào năm 2020.
“Nợ công đang nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội, chiến lược nợ công của Chính phủ. Ngành tài chính sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện dự án từ nợ công để có hiệu quả tốt hơn và duy trì được nợ trong giới hạn Quốc hội đã phê chuẩn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng quả quyết.