Nợ xấu, biết sử dụng sẽ là lợi thế
(Tài chính) Với hệ thống giải pháp quyết liệt được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong thời gian qua, hiện, hệ thống ngân hàng đã ổn định và nợ xấu được khoanh vùng. Nhưng với diễn tiến xử lý còn chậm như hiện nay, nợ xấu vẫn đang là nỗi lo bất ổn của hệ thống ngân hàng.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, hệ thống ngân hàng mới bước đầu ổn định trở lại, tránh sự đổ vỡ của cả hệ thống, song một số ngân hàng hiện nay còn chênh vênh và yếu kém. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải loại được nợ xấu ra khỏi hệ thống. Ngoài ra, vấn đề đáng lo hiện nay là nợ xấu có nguy cơ gia tăng, trong khi, tiến độ xử lý nợ xấu qua công cụ được mong đợi là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC lại chậm. Lượng nợ xấu mua vào thấp, trong khi các ngân hàng dự kiến bán nợ cũng không nhanh hoặc đổ dồn vào cuối năm nay. Câu chuyện lúc này là phải đưa ra được các giải pháp để xử lý nợ xấu nhanh hơn.
Một giải pháp được VAMC đề xuất là bổ sung vốn để nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, thay vì mức vốn 500 tỷ đồng hiện nay, đồng thời triển khai đề án mua bán nợ xấu theo thị trường. Nhiều chuyên gia tán thành đề xuất của VAMC, vì thực tế cho thấy, công ty này chỉ có cơ chế, không có đủ nguồn lực thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, khi số liệu tài chính chưa minh bạch, khả năng giám sát ngân hàng còn hạn chế thì phần ngân sách được dùng để xử lý nợ xấu có thể không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Song, nhiều chuyên gia vẫn cho đây là giải pháp cần tính đến trong điều kiện hiện nay, vì nhiều quốc gia trên thế giới đã xử lý nợ xấu bằng cách này, thậm chí Thái Lan đã chi tới 30% GDP để xử lý nợ xấu. Vấn đề là phải có quy trình giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu chỉ xử lý thành công nếu có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Bởi thực tế, sự chậm trễ xử lý nợ xấu hiện nay có phần từ việc các ngân hàng có tâm lý trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Một số tổ chức, cá nhân vì một số lợi ích nên cố gắng níu lại và kìm hãm việc bán, giãn tiến độ bán và như vậy sẽ làm cho dòng tiền đi không như mong muốn. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, để có động lực phát triển kinh tế nhanh, thì phải cắt được những ba lô đang níu kéo việc xử lý nợ xấu.
Có thể thấy, quá trình xử lý nợ xấu suốt thời gian dài vừa qua chủ yếu vẫn là vài trò của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thực tế việc xử lý nợ xấu cần sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành khác. Ví dụ, việc xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu, thì Bộ Tư pháp cần ban hành thông tư hướng dẫn về trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản của VAMC. Hay như Bộ Tài chính cần hoàn thiện khung pháp lý cho việc sớm ra đời một thị trường mua bán nợ… Ngay cả lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, cũng phải xắn tay giải quyết nợ xấu một cách quyết liệt. Nếu cứ trông chờ cơ chế nhà nước, ỷ lại, thì cục nợ xấu sẽ vẫn đeo đẳng, không nhấc nổi chân để bước đi tiếp.
Và một việc quan trọng nữa, đó là minh bạch nợ xấu. Cho dù có cơ chế hình thành một thị trường mua bán nợ, cho dù VAMC có nhiều tiền, cho dù nhiều nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam để tìm mua nợ... thì cũng không có nghĩa khoản nợ được giao dịch. Kinh nghiệm của Nhật Bản khi xử lý nợ xấu cách đây hơn chục năm cho thấy, cần có sự minh bạch đến mức cao nhất về nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải tuân thủ nghiêm việc báo cáo nợ xấu theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước. Và Ngân hàng Nhà nước tiến hành giám sát chặt chẽ để có một con số đáng tin cậy.
Nợ xấu, biết sử dụng là một cách làm khôn ngoan của ngân hàng. Còn không, nó sẽ là ngòi nổ lớn.