Nợ xấu có thể về 6% cuối năm nay
(Tài chính) Nợ xấu, bao gồm cả những khoản nợ được cơ cấu lại được tư lệnh ngành ngân hàng cam kết giảm về 6% vào cuối năm, từ mức 8% hiện nay.
Tại phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9, trước những câu hỏi dồn dập của đại biểu về số liệu nợ xấu hiện tại và cách xử lý, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đến cuối tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu do các tổ chức tín dụng báo cáo là 4,17%, cao hơn mức 3,19% cuối năm 2013. Tuy nhiên, nợ xấu theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước lại cao gần gấp đôi, lên 8% tổng dư nợ vào cuối tháng 7.
Sở dĩ có sự khác biệt như trên, theo Thống đốc là do Ngân hàng Nhà nước tính thêm 157.000 tỷ đồng nợ cơ cấu lại nguy cơ trở thành nợ xấu. "Để đánh giá thực chất hơn nợ xấu trong hệ thống và những nguy cơ tiềm ẩn để chủ động có biện pháp đối phó, chúng tôi cộng số nợ xấu của ngân hàng báo cáo với số cơ cấu lại nợ. Từ đó, số liệu tỷ lệ nợ xấu tăng lên khoảng 8%", ông cho hay.
Diễn giải nguyên nhân tại sao đã làm nhiều việc, kể cả có thêm công cụ mua bán nợ là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) mà nợ xấu tăng, người đứng đầu ngành ngân hàng nhận định đây chỉ là tình trạng tạm thời, đến cuối năm tình hình sẽ khả quan hơn. "Thường các tổ chức tín dụng sẽ hạch toán xử lý nợ xấu vào cuối năm, sau khi quyết toán xong thu chi, biết được lợi nhuận, lỗ lãi và các khoản dự phòng. Do đó, nợ xấu thường giảm mạnh vào thời điểm 31/12 hàng năm. Còn trong năm, các khoản nợ trước đây đến hạn không trả được tích tụ lại, khiến nợ xấu tăng lên", ông Bình cho biết.
Ngoài ra, việc áp dụng Quyết định 02, Thông tư 09 - những tiêu chuẩn phân loại nợ, trích lập dự phòng chặt chẽ cũng khiến nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng.
Về kết quả của quá trình xử lý nợ xấu, đại diện ngành ngân hàng thông tin thời gian qua đã xử lý được 249.000 tỷ đồng, trong đó 86.000 tỷ đồng được giải quyết qua VAMC, phần còn lại do các nhà băng "tự thân". Với mục tiêu VAMC sẽ mua được 70.000 tỷ đồng dư nợ gốc trong năm nay, cộng với 76.000 tỷ đồng trích lập dự phòng của các tổ chức tổ chức tín dụng, Thống đốc khẳng định "cuối năm nợ xấu có thể xử lý căn cơ".
Vị tư lệnh ngành cũng đặt mục tiêu đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu do các tổ chức tín dụng báo cáo sẽ giảm về khoảng 3%, còn con số nợ xấu theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa về 6% tổng dư nợ.
Nhằm hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm nợ xấu vào năm 2015, trong bối cảnh "không dùng một phần trăm GDP nào để xử lý nợ xấu", Thống đốc cũng đề xuất tăng vốn điều lệ cho VAMC từ 500 tỷ đồng hiện nay lên 2.000 tỷ đồng và có thể xây dựng một bộ luật riêng cho công ty này.
"Biết là đất nước gặp vô vàn khó khăn, ngân sách còn phải chi vào nhiều mục tiêu nên việc sử dụng ngân sách giai đoạn hiện nay chúng tôi không dám đặt ra. Song, cần có những cơ chế để sử dụng công cụ chính sách tiền tệ tốt hơn nữa nhằm xử lý vấn đề này", ông chia sẻ.