Nợ xấu được… giấu kỹ?

ThS. NGUYỄN THỊ THU CÚC

(Tài chính) Để xử lý tận gốc “khối u” nợ xấu ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cần phải xác định rõ số lượng, nguồn gốc các khoản nợ. Vấn đề tưởng như dễ dàng nhưng không được các ngân hàng cho là hợp lý, nhằm thực hiện quyết liệt trong bối cảnh hiện nay.

Nợ xấu được… giấu kỹ?
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng giảm nhanh đang khiến nhiều người băn khoăn. Nguồn: internet

Chưa vội lạc quan

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, bức tranh nợ xấu đã “phảng phất” mảng màu sáng, khi phần lớn đều kiểm soát được dưới 3% tổng dư nợ. Tuy nhiên, những người trong nghề vẫn băn khoăn về mức độ tin cậy của những con số này và tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh bởi 3% là mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra để rút tỷ lệ chung về đến năm 2015.

Tính đến cuối tháng 8/2013, có 15 NHTM công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 (hoặc có kết quả kinh doanh cơ bản). Trong 15 trường hợp đã công bố, có 5 NHTM tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6/2013 đã giảm so với 31/12/2012. Gồm: BIDV giảm từ 2,77% xuống 2,57%; VPBank từ 2,72% còn 2,62%; TienPhong Bank từ 3,47% xuống 2,77%; OCB từ 2,8% xuống 2,5% và Southern Bank từ hơn 3% xuống còn 2,77%... Nếu xét theo quy định hiện hành, nợ xấu trên 3% buộc phải bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), thì xem ra công ty xử lý nợ này “nhàn việc”.

Tuy nhiên, ẩn số nợ xấu vẫn nằm ở khoảng phân nửa các NHTM chưa công bố báo cáo tài chính, nên chưa thể khẳng định được gì, chưa nói mức độ sát thực của những con số đã công bố. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít ngân hàng nợ xấu lại tăng đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu trong quý II/2013 của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã vượt quá khỏi mức cho phép, chạm ngưỡng 5,2% thay vì 3,5% trong quý I/2013. Tương tự, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) trong quý II/2013 cũng ở mốc 6%, vượt 1,75% so với quý I/2013; riêng ACB suýt soát gần 3%...

Ngân hàng ém nợ xấu?

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tài chính không những giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Tính đến cuối tháng 4/2013 tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 4,76%. Tính hết tháng 5/2013 có khoảng 30/124 tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu vượt trên 3% tổng dư nợ.

Lãnh đạo một NHTM cổ phần thừa nhận, đúng là có chuyện ngân hàng “cân nhắc thận trọng khi bán nợ cho VAMC. Nếu bán nợ cho VAMC bảng cân đối tài sản sẽ “sạch sẽ” trong một thời gian nhưng hình ảnh trong mắt khách hàng khi bị “hoen mờ” nếu ngân hàng thuộc  danh sách buộc phải bán nợ cho VAMC. Thêm vào đó, không phải NHTM cứ bán nợ cho VAMC là khoản nợ đó được xóa hoàn toàn. Sau 5 năm, nếu không xử lý được hết nợ xấu thì NHTM phải lấy lại món nợ đó và “ôm” số nợ này. Như thế, rủi ro chính vẫn là các NHTM vì họ bán nợ đi, không biết được chiết khấu và hưởng được bao nhiêu trong khi vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho các khoản nợ để giảm trừ giá trị trái phiếu.

Để tránh “lạy ông tôi ở bụi này”, các ngân hàng thà “ém” nợ xấu xuống dưới tỷ lệ 3% để không phải bị “bêu danh” vào danh sách của VAMC. Vậy nợ xấu đang ở đâu? Nợ được phân thành 5 nhóm và từ nhóm 3 đến nhóm 5 mới bị coi là nợ xấu, nhưng nhờ tái cơ cấu, DN được khoanh nợ, giãn nợ nên nợ nhóm 3 được đẩy lên nhóm 2, nợ nhóm 4 lên nợ nhóm 2. Nợ xấu được giảm đi rõ song bản chất của những khoản nợ đó vẫn không vì vậy mà bớt xấu đi.

Các ngân hàng che giấu nợ xấu sẽ khiến cho việc xử lý nợ xấu của NHNN gặp khó khăn. Những khoản nợ xấu chậm xử lý sẽ ngày càng chồng chất lên nhau, gây mất rất nhiều chi phí và cơ hội. Vì thế, cần phải minh bạch con số nợ xấu, khi tình hình còn chưa quá muộn.

TS. Cao Sỹ Kiêm

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính ngân hàng, điểm chung trong báo cáo tài chính của các ngân hàng vừa công bố, chính là nợ xấu đều tăng lên so với năm ngoái. Tính tại thời điểm ngày 30/6, Vietinbank có tổng cộng 7.027 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,1% tổng dư nợ. Con số này cũng cao hơn rất nhiều so với nợ xấu 4.890 tỷ đồng hồi cuối năm 2012 và tỷ lệ khi đó là 1,46%; Vietcombank cũng không kém cạnh, có tổng cộng 6.687 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,81% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong khi cuối năm 2012, ngân hàng này chỉ có 5.791 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 2,4%. Các tổ chức tín dụng đều không đưa ra con số cụ thể nợ xấu có khả năng mất vốn là bao nhiêu. Vì vậy, khó quy được về giá trị tuyệt đối của nợ xấu.

Việc giải ngân lòng vòng giữa các khách hàng có mối quan hệ liên minh với nhau cũng là một cách để giúp các khách hàng có dòng tiền để trả nợ và giảm nợ xấu. Nếu một khách hàng trong liên minh có nguy cơ bị nợ quá hạn hoặc nghiêm trọng hơn là bị nợ xấu, nhiều tổ chức tín dụng có thể cho một DN khác hoặc cá nhân khác trong liên minh vay để giúp khách hàng này dùng tiền vay trên trả nợ. Bằng cách này cũng làm cho nợ xấu giảm. Ngoài ra, với tình trạng sở hữu chéo ngân hàng như hiện nay, việc các công ty xử lý tài sản mua của nhau những khoản nợ nhóm 4, nhóm 5 không phải là chuyện mới. Và nợ xấu giảm có thể do ngân hàng đang tìm cách mua chéo nợ của nhau, đảo nợ…

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho biết, bản thân các ngân hàng lớn hay nhỏ, hoạt động tốt hay không đều có xu hướng giấu nợ xấu. Ngân hàng nhỏ giấu vì sợ nếu lộ ra sẽ bị phân biệt đối xử, khách hàng rút chạy. Còn những ngân hàng lớn, giấu nợ xấu, trích dự phòng rủi ro thiếu để tăng lợi nhuận, kích giá cổ phiếu cũng như thu hút khách hàng. Các ngân hàng che giấu nợ xấu sẽ khiến cho chương trình hành động xử lý nợ xấu của NHNN gặp khó. Những khoản nợ xấu chậm xử lý theo đó ngày càng chồng chất lên nhau, gây mất rất nhiều chi phí và cơ hội. Vì thế, cần phải minh bạch con số nợ xấu, khi tình hình còn chưa quá muộn.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, bà Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu, các ngân hàng sẽ biết được điểm xuất phát thực tế của mình ở đâu, từ đó mới có cơ sở để tìm ra thuận lợi, khó khăn mà đưa ra giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện giải pháp cơ cấu nợ, một cách hiệu quả nhất. Còn việc che giấu nợ xấu, chẳng những không phản ánh đúng thực trạng của ngân hàng (để có giải pháp áp dụng phù hợp) mà còn kéo dài thời gian trì trệ ngân hàng.

Việc cần làm bây giờ của các ngân hàng là phải nghiêm túc xem xét lại việc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng của mình trên cơ sở tình hình tài chính cụ thể của họ và xác định lại khả năng trả nợ để cơ cấu lại nợ. Qua đó vừa phản ánh đúng thực trạng nợ xấu của mình, đồng thời tạo điều kiện để những khách hàng trả được nợ và vay vốn mới, tránh phát sinh nợ xấu.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư