Nợ xấu theo góc nhìn của FSAP
(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Báo cáo đánh giá hệ thống tài chính của Việt Nam do Đoàn chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện trong khuôn khổ Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP). Báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần cách tiếp cận đa chiều chủ động trong xử lý nợ xấu.
Một vài phân khúc của khu vực doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nghèo nàn, gặp khó khăn về tài chính và đã ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng - Báo cáo nhận định. Một số doanh nghiệp nhà nước lớn đã mất khả năng thanh toán nợ, một số khác có biểu hiện vay nợ quá mức. Hệ thống ngân hàng đã tích tụ một lượng lớn nợ xấu được ước tính một cách thận trọng là 12% trên tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2012.
Từ năm 2003, Công ty Mua bán nợ và tài sản (DATC) được thành lập để giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống nhưng hiệu quả còn thấp. Tại thời điểm hiện nay, DATC rất ít hoạt động và các tài sản còn lại chủ yếu dưới dạng tồn kho, các khoản phải thu và các khoản đầu tư rất kém thanh khoản tại các công ty con và công ty liên doanh. DATC mua tài sản tính đến nay là xấp xỉ 10 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp nhà nước. Theo các chuyên gia của Đoàn công tác, ngân hàng không muốn sử dụng DATC do tỷ lệ thu nợ thấp, khoảng 28% giá trị ghi sổ sau khi đã trừ chi phí. Công ty quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại cũng chưa thực sự hoạt động hiệu quả.
WB và IMF đánh giá việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) là một bước tiến đáng kể để giải quyết nợ xấu, nhưng hiệu quả mang lại chưa rõ ràng. Việc xử lý nợ xấu qua VAMC sẽ phụ thuộc vào sức hấp dẫn của công ty này đối với các ngân hàng và tính chủ động của VAMC trong việc xử lý nợ xấu. Thiết kế của VAMC đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng 20%/năm cho các trái phiếu của VAMC mà không được tính vào tài sản sinh lời (trái phiếu VAMC dùng để mua nợ xấu có lãi suất cuống phiếu bằng 0%). Có thể chỉ một số ít ngân hàng đang gặp khó khăn nghiêm trọng hơn về thanh khoản quan tâm tới việc sử dụng trái phiếu của VAMC để tiếp cận thanh khoản. Thêm vào đó, nếu các tài sản được chuyển nhượng và lưu kho mà không có sự quản lý hoặc giải quyết một cách chủ động thì chúng sẽ thực sự mất giá trị theo thời gian. Trong bất kỳ trường hợp nào, VAMC sẽ chỉ giải quyết được một phần nợ xấu, báo cáo nhấn mạnh.
Cần cách tiếp cận đa chiều chủ động
Hai tổ chức này cho rằng, Việt Nam có thể cần phải xem xét thông qua áp dụng phương pháp tái cơ cấu đa chiều với 4 cấu phần chính có liên kết mật thiết. Tòa án giám sát trình tự tiến độ phá sản, để giải quyết nợ xấu của các tập đoàn lớn. Để cấu phần này được thực hiện hiệu quả, cần phải xem xét lại cơ chế phá sản doanh nghiệp để hỗ trợ quá trình tái thiết và thanh lý chính thức. Tái cơ cấu với hệ thống ngân hàng là nòng cốt, cần đi cùng cơ sở pháp lý cho phép chủ nợ được triển khai cơ chế tự dàn xếp và phê duyệt rút gọn. Cơ sở pháp lý chỉ cần quy định về mặt nguyên tắc và giao quyền tự quyết tối đa cho các bên tham gia thỏa thuận tự dàn xếp. Cấu phần VAMC, là đơn vị chính trong giải quyết nợ, tài sản xấu, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, bất động sản. Cơ chế tái cơ cấu hành chính đặc biệt, được sử dụng hạn chế trong các trường hợp toàn bộ hoặc hầu hết số nợ của một doanh nghiệp nhà nước đều tập trung ở các ngân hàng thương mại nhà nước. Chính phủ có thể áp dụng biện pháp hành chính để giải quyết khối lượng nợ xấu này cùng với kế hoạch tái cơ cấu cụ thể với các doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo cho rằng, cần thực hiện cải cách pháp lý để hỗ trợ thực hiện phương án đa chiều này. Để loại bỏ những trở ngại khác trong việc xử lý tự nguyện và thực thi các quyết định, cần phải sửa đổi Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Thi hành án dân sự, Nghị định về bán đấu giá tài sản và Nghị định về các giao dịch bảo đảm, Luật Thuế và các Quyết định của NHNN.
Báo cáo này cũng đưa ra các khuyến nghị tổng thể quan trọng bao gồm cấp vốn bổ sung, xử lý nợ xấu, cải cách pháp lý và cải cách khác, cũng như tạm thời mở rộng mạng lưới an toàn ở giai đoạn đầu. Kiểm toán tài chính đặc biệt với các ngân hàng cũng sẽ cho kết quả đánh giá chính xác về nợ xấu, nhu cầu cấp vốn bổ sung tương ứng, và thông tin quan trọng để xây dựng đề án xử lý nợ. Kiểm toán hoạt động sẽ là cơ sở cho kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng thương mại nhà nước. Ngoài ra, việc xác định được các liên kết chéo giữa ngân hàng và khách hàng vay sẽ cho phép giám sát rủi ro hệ thống trong quá trình cải cách. Trong giai đoạn thứ hai, các ngân hàng sẽ được cấp vốn bổ sung. Các ngân hàng thương mại nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn khỏi các ngân hàng. Giai đoạn thứ ba sẽ tập trung vào xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập công ty quản lý tài sản, và xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, cần áp dụng các phương pháp giải phóng ngân hàng thương mại nhà nước ra khỏi nhiệm vụ chính sách. Trong giai đoạn cuối, Việt Nam cũng cần thực hiện các cải cách thị trường vốn, cải cách cơ sở hạ tầng tài chính và các quy định tài chính.
Lãnh đạo NHNH cho rằng, các đánh giá quan trọng của Báo cáo về lĩnh vực ngân hàng khá phù hợp với những nhận định, đánh giá nội bộ của NHNN ngay từ cuối năm 2011. Nhiều khuyến nghị tại Báo cáo đã được NHNN lồng ghép đưa ngay vào thực hiện trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập VAMC. Những khuyến nghị khác sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới thông qua Kế hoạch hành động toàn diện hậu FSAP. Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và khuyến nghị của Chương trình FSAP sẽ góp phần lành mạnh hóa một bước quan trọng về tài chính và hoạt động của các tổ chức tín dụng, NHNN nhấn mạnh.