Nội các Anh khủng hoảng
Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với thách thức nghiêm trọng, sau khi hàng loạt quan chức cấp cao trong Nội các từ chức, nhằm phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit vừa đạt được giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 15/11, Bộ trưởng phụ trách Brexit Dominic Raab đã từ chức, với lý do không ủng hộ thỏa thuận giữa Anh và EU nhằm ngăn chặn thiết lập đường biên giới ở Bắc Ireland.
Trong thư từ chức gửi Thủ tướng May, ông Raab cho hay, những đề xuất quy định áp dụng với Bắc Ireland là mối đe dọa thực sự với Liên hiệp Vương quốc Anh; đồng thời nhấn mạnh, không có quốc gia dân chủ nào tự đăng ký bị ràng buộc bởi một chế độ rộng lớn, áp đặt từ bên ngoài mà không có bất kỳ sự kiểm soát dân chủ nào đối với luật pháp được áp dụng, cũng như khả năng quyết định việc thoát khỏi sự dàn xếp này.
Quyết định ra đi của ông Raab là đòn giáng mạnh nhất vào người đứng đầu Chính phủ Anh, sau khi nhiều thành viên cấp cao khác trong Nội các đồng loạt từ chức, liên quan đến dự thảo thỏa thuận Brexit gây tranh cãi giữa Anh - EU.
Trước đó, Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti cùng 3 thành viên Nội các, gồm Bộ trưởng Các vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Lao động và hưu trí Esther McVey và Thứ trưởng Brexit Suella Braverman đã từ chức.
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng May thông báo, Nội các Anh đã đạt được sự đồng thuận tập thể đối với dự thảo thỏa thuận cũng như phác thảo tuyên bố chính trị về Brexit, mà các nhà đàm phán của Anh và EU nhất trí trước đó. Đây là cuộc khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng trong Chính phủ Anh, đồng thời thách thức vị trí Thủ tướng của bà May.
Chính quyền của Thủ tướng May hiện đối mặt với thách thức từ liên minh giữa phe đối lập và nhóm “nổi loạn” trong đảng cầm quyền, nhằm phản đối kế hoạch Brexit, trong bối cảnh thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU cần được Nghị viện Anh phê chuẩn trước cuối năm nay.
Theo dự thảo thỏa thuận Brexit, Anh và EU sẽ nỗ lực hết sức để đạt được một hiệp định thương mại mới 6 tháng trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020.
Hai bên cũng có thể gia hạn giai đoạn chuyển tiếp. Trong trường hợp đàm phán không thành công, hai bên sẽ áp dụng giải pháp “chốt chặn cuối”, nhằm ngăn hình thành biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh, đe dọa thành quả tiến trình hòa bình Belfast 1998.
Theo đó, Anh và EU sẽ hình thành “vùng lãnh thổ đơn nhất về thuế quan”, có hiệu lực từ cuối giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi các bên ký kết hiệp định thương mại mới.
Đáng chú ý, theo dự thảo thỏa thuận, khi một bên muốn chấm dứt kế hoạch “chốt chặn cuối” thì phải thông báo với bên còn lại và trình bày rõ nguyên nhân. Sau đó, các bên cùng lập ủy ban đặc biệt để thương lượng trong 6 tháng.
Bắc Ireland sẽ chỉ được rời khỏi liên minh thuế quan nếu cả Anh và EU chấp nhận. Theo dàn xếp này, EU hoàn toàn có quyền phủ quyết khi Anh muốn dừng kế hoạch “chốt chặn cuối”. Việc Anh không có quyền tự quyết về Bắc Ireland đã vấp phải phản đối kịch liệt của những nghị sĩ phản đối Brexit.