Nỗi lo căng thẳng Nga – Ukraina khiến chứng khoán Mỹ có tuần giảm điểm mạnh
Việc thị trường chứng khoán giảm điểm diễn ra sau những báo cáo cho thấy nhà máy điện hạt nhân tại Ukraina, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại châu Âu, đã có những vụ nổ đầu tiên.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu bất chấp dữ liệu về thị trường việc làm tốt hơn kỳ vọng của các chuyên gia, diễn biến bi quan của tình hình căng thẳng Nga – Ukraina không khỏi gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 179,86 điểm tương đương 0,53% và đóng cửa tại mốc 33.614,8 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,79% xuống 4.328,87 điểm còn chỉ số Nasdaq giảm 1,66% xuống 13.313,44 điểm.
Trong phiên, đã có lúc chỉ số giảm hơn 500 điểm và như vậy có tuần mất điểm thứ 4 liên tiếp. Trong tuần qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 hạ 1,3% còn Nasdaq mất đến 2,8% giá trị.
Việc thị trường chứng khoán giảm điểm diễn ra sau những báo cáo cho thấy nhà máy điện hạt nhân tại Ukraina, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại châu Âu, đã có những vụ nổ đầu tiên tính từ khi quân đội Nga tấn công vào Ukraina. Các báo cáo vào sáng ngày thứ Sáu cho thấy các lực lượng Nga đã chiếm đóng nhà máy tại Zaporizhzhia. Đại sứ quán Mỹ tại Kyiv gọi cuộc tấn công này là tội ác.
“Tôi nghĩ thị trường dường như đang trong quá trình lập đáy, tuy nhiên thật khó để lường trước được hết những rủi ro địa chính trị kiểu như thế này. Lịch sử từng có những câu chuyện về việc mua vào trong thời kỳ xung đột, tuy nhiên mỗi cuộc chiến và tình huống khác nhau”, giám đốc bộ phận chiến lược đầu tư tại BNY Mellon Wealth Management – ông Jeff Mortimer nói.
Tính từ khi cuộc tấn công vào Ukraina do Nga tiến hành bắt đầu, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã tăng hơn 7% lên mức khoảng hơn 115USD/thùng, giá dầu Brent – loại dầu chuẩn của toàn cầu tăng hơn 6% lên gần 118USD/thùng. Ngày thứ Sáu, Nhà Trắng cũng đã không loại bỏ khả năng sẽ cấm nhập khẩu đối với dầu Nga.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm đi khi nhà đầu tư giảm mạnh rủi ro, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ giảm xuống còn 1,73%.
Cổ phiếu ngành tài chính, loại cổ phiếu có thể hưởng lợi từ lãi suất tăng cao, giảm điểm. Cổ phiếu American Express mất 3,8%; cổ phiếu JP Morgan Chase ạ 2,8%.
Cổ phiếu các doanh nghiệp du lịch giảm trong phiên ngày thứ Sáu. Cổ phiếu United Airlines mất hơn 9%. Cổ phiếu Delta Airlines và American Airlines hạ 5,6% và 7,1%. Cổ phiếu công nghệ đồng thời mất điểm, cổ phiếu Microsoft hạ 2% còn cổ phiếu Apple giảm 1,8%.
Cổ phiếu năng lượng đồng thời giảm cùng với giá dầu. Cổ phiếu Occidental Petroleum mất hơn 17%; cổ phiếu Diamondback Energy tăng 2,7%. Cổ phiếu một số doanh nghiệp phòng thủ đồng thời cũng ghi nhận mức tăng điểm mạnh. Cổ phiếu Walmart và United Healthh tăng 2,5%.
Diễn biến tại Ukraina dường như đã lấn át thông tin về thị trường việc làm cao vượt kỳ vọng của các chuyên gia. Kinh tế Mỹ có thêm 678.000 việc làm trong tháng trước, cao hơn mức dự báo 440.000 theo tính toán của các chuyên gia tham gia khảo sát của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,8%.
Đây là báo cáo thị trường việc làm gần nhất trước cuộc họp chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong tuần này, ông Jerome Powell nói rằng ông đang hướng đến việc nâng lãi suất một lần ước tính 25 điểm cơ bản trong tháng 3/2022. Một điểm cơ bản tương đương 0,01%.
Trưởng bộ phận chiến lược tại quỹ Principal Global Investors, bà Seema Shah, phân tích: “Số liệu việc làm mới nhất có thể coi như bằng chứng rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng đủ mạnh để đương đầu với quá trình thắt chặt chính sách, bất ổn xung quanh tình hình Ukraina không làm giảm đi động lực siết chặt chính sách của Fed”.
“Tuy nhiên trong những tháng tới, các sự kiện trên nhiều khả năng sẽ khiến cho các cuộc tranh luận nội bộ của Fed ngày một trở nên thận trọng hơn. Nếu giá thực phẩm và năng lượng cao tiếp tục gây sức ép lên tiêu dùng các hộ gia đình, các nhà hoạch định chính sách có thể tái tập trung vào các rủi ro cho tăng trưởng”, ông Shah nói thêm.