Nóng bỏng cuộc chiến chống chuyển giá
Chuyển giá ở các doanh nghiệp (DN) có vốn nước ngoài (FDI) đã xuất hiện từ lâu, nhưng gần đây lại “nóng lên” khi những “đại gia” như Coca-Cola Việt Nam, Metro... liên tục báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất. Trong khi các DN trong nước khi phải “cày cuốc” để đóng thuế, còn “hầu bao” ngân sách đang cạn kiệt. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế chuyển giá diễn ra phổ biến do bất cập về pháp lý và trách nhiệm không nhỏ từ cơ quan Nhà nước.
Điểm mặt các “anh hùng núp”!
Hoạt động tại Việt Nam 18 năm, chiếm lĩnh thị phần nước giải khát khá lớn nhưng Công ty Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Coca-Cola) chưa năm nào kê khai có lãi. Theo số liệu từ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, số lỗ lũy kế của Coca-Cola từ khi hoạt động vào năm 1994 đến năm 2006 là 2.736 tỉ đồng. Các năm sau đó, số lỗ của Công ty này vẫn tiếp tục tăng thêm và đến năm 2008, lỗ lũy kế vượt qua con số 3.000 tỉ đồng, lên 3.066 tỉ đồng và đến năm 2011, số lỗ lũy kế của đơn vị này lên khoảng 3.700 tỉ đồng.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xác nhận, doanh thu của Coca-Cola qua các năm tăng bình quân từ 20 - 30%, doanh thu vượt mức 1.000 tỉ đồng từ năm 2006 nhưng Công ty vẫn khai lỗ triền miên; số lỗ lũy kế đến năm 2006 đã quá số vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng.
Đầu năm 2012, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra năm tài chính 2006, đơn vị này đã giảm lỗ 72 tỉ đồng, giảm trừ chuyển lỗ quá thời hiệu 889 tỉ đồng. Số lỗ âm cả vào vốn đầu tư nhưng Coca-Cola vẫn liên tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập đoàn này còn tuyên bố sẽ đầu tư mới 300 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 3 năm tới, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn và các đối tác đóng chai tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 lên 500 triệu USD.
Không riêng gì Coca-Cola, công ty Pepsico từ khi vào Việt Nam đến năm 2007 cũng khai số lỗ vượt qua 1.000 tỉ đồng. Hàng loạt DN khác cũng có những biểu hiện tương tự.
Sau Coca-Cola, Metro, Adidas, “đại gia” bất động sản Keangnam-Vina (Hàn Quốc) bị cơ quan Thuế “đặt dấu hỏi to đùng” nghi vấn chuyển giá, giao dịch liên kết. Hiện cơ quan Thuế đang nghi ngờ Công ty TNHH một thành viên Keangnam-Vina (100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc) đã chuyển lợi nhuận sang Công ty mẹ thông qua giao dịch liên kết.
Theo đó, tháng 5/2007, khi thực hiện đầu tư dự án căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại huyện Từ Liêm (Hà Nội), công ty Keangnam-Vina vay vốn từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc) - thành viên trong cùng tập đoàn-với tổng vốn vay 400 triệu USD. Nhưng công ty Keangnam-Vina phải trả lãi vay bình quân các năm tới 12%/năm, cao hơn cả lãi vay USD ngân hàng Việt Nam (khoảng 5-7%/năm). Khoản lãi vay, chi phí tài chính đã được hạch toán là 2.030 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng ban cải cách (Tổng cục Thuế) cho biết, công ty Keangnam-Vina đã vay vốn của ngân hàng cùng tập đoàn với lãi suất cao, trả trước chi phí dàn xếp vốn vay cho công ty mẹ, tức là có giao dịch giữa 3 đơn vị cùng tập đoàn. Đây là một căn cứ để cơ quan Thuế nghi vấn dấu hiệu chuyển giá.
Các mánh khóe bị “bóc mẽ”!
Chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng cách thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết. Các đối tác liên kết ở đây có thể là: Các công ty thành viên trong một công ty đa quốc gia; các công ty hoặc đơn vị thành viên trong một tổng công ty, công ty; các công ty độc lập mà chủ sở hữu của chúng có mối quan hệ đặc biệt, thường là mối quan hệ thân nhân.
Trong năm 2011, ngành Thuế đã tổ chức thanh tra tại 921 DN kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá, đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng (tăng 2,5 lần), truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng (tăng 4 lần so với năm 2010). Kết quả thu thuế từ DN FDI năm 2011 tăng 11,3% so với năm 2010 có phần đóng góp của những nỗ lực chống chuyển giá.
Chuyên gia phân tích, thủ đoạn nâng giá nhập nguyên vật liệu thường gặp ở các DN sản xuất rượu, bia, nước giải khát như Coca-Cola là chiêu thức cổ điển của chuyển giá. Đó là nâng giá nhập cao hơn thực tế sẽ làm tăng giá thành, dẫn đến kinh doanh thua lỗ và DN không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Lỗ hổng để DN lợi dụng là do nền công nghiệp hỗ trợ của VN chậm phát triển, nên hầu hết các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của các DN FDI đều phải nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc đối tác do công ty mẹ chỉ định, với giá cao hơn giá thực tế.
Chiêu khác, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam để tiến hành sản xuất kinh doanh, bên nước ngoài thường góp vốn bằng máy móc, công nghệ hiện đại. Do trong nước chưa có đủ năng lực và trình độ thẩm định nên nhiều dự án bị đối tác nước ngoài định giá thiết bị, công nghệ cao hơn thực tế. Việc này giúp cho bên nước ngoài được hưởng một khoản chênh lệch lớn về giá máy móc, thiết bị.
Thêm nữa, DN sử dụng hạ giá bán sản phẩm đầu ra cho một công ty liên kết trong nội bộ của tập đoàn. Trường hợp này thường xảy ra khi công ty mẹ hoặc công ty liên kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, DN chuyển giá thông qua việc hỗ trợ tài chính. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, đa phần các DN FDI ở Việt Nam vay vốn của các công ty mẹ ở nước ngoài với lãi suất rất cao. Lãi suất tiền vay cao đồng nghĩa với việc giá thành cao, giảm lợi nhuận, thuế thu nhập DN giảm.
Sẽ “chặn” được!
TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính bày tỏ, các văn bản pháp lý hiện hành của Việt Nam nhằm chống chuyển giá là Thông tư 66/2010/TT-BTC, lần đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng cho tất cả các loại hình DN, cả DN FDI và các DN khác. Thêm vào đó, những hạn chế, bất cập của Thông tư 117/2005/TT-BTC đã được khắc phục. Về cơ bản, các quy định và các phương pháp xác định giá thị trường của Thông tư 66/2010/TT-BTC đã phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hơn nữa, Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế quy định cơ quan Thuế có quyền ấn định thuế khi người nộp thuế “Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường”. Quy định này không hoàn toàn xử lý vấn đề chuyển giá, song cũng tạo ra căn cứ pháp lý nhất định để giải quyết vấn đề chuyển giá.
Thêm nữa, Điều 107 Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2012 ban hành ngày 20/11/2012 quy định, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thuế: Người nộp thuế đã phản ánh đầy đủ, trung thực các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ nhưng khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 108 của Luật này thì ngoài việc nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định, người nộp thuế còn bị xử phạt như sau: Phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung quá thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai nhưng trước khi cơ quan Hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này; Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này; Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.