"Nóng” chuyện trốn, xù nợ thuế ở doanh nghiệp FDI
Dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài (DN FDI) đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, là động lực quan trong thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trước những biến động đầy khó khăn của nền kinh tế, không ít DN FDI đã lợi dụng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để nợ thuế hàng chục tỉ đồng rồi bỏ trốn về nước.
Hải quan cũng… bó tay
Báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các DN của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, tính đến hết tháng 2/2012, số thuế nợ tăng 28,5% so với 31/12/2011, trong đó, khu vực DN FDI tăng 25,7%, khu vực DN ngoài Nhà nước tăng 13,9%, khu vực DN Nhà nước tăng 4,3%. Với riêng nợ thuế hải quan quá hạn thì khu vực DN FDI đã chiếm tới 10,6% tổng nợ.
Từ đó để thấy rằng, vấn đề nợ thuế, trốn thuế ở khu vực DN FDI đang thực sự trở thành vấn đề nhức nhối của nền kinh tế với số nợ thuế mỗi vụ lên tới hàng chục tỉ đồng. Điển hình có thể kể tới trường hợp của Công ty TNHH Diing Long Việt Nam tại Bình Dương. Công ty này nợ thuế nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu lên tới hơn 17 tỉ đồng. Số tiền này chưa kịp thu hồi thì Ban Giám đốc của Diing Long đã về nước. Công ty rơi vào tình trạng vắng chủ trong khi tài sản đã thế chấp tại ngân hàng (NH). Hiện công ty chỉ còn một nhà xưởng trên diện tích 3ha tại Mỹ Phước ước tính trị giá 70 tỉ đồng, song tài sản này đã được thế chấp tại NH với số tiền vay trên 100 tỉ đồng. Với trường hợp như vậy, cơ quan hải quan gần như “bó tay” để đòi được thuế của DN.
Đáng quan ngại hơn khi mà hiện tượng DN FDI bỏ trốn, xù nợ thuế đang diễn ra khá phổ biến khi mà mới đây, Hải quan Hải Phòng đã thống kê có tới 14 DN nợ thuế có chủ là người nước ngoài đã bỏ trốn, với tổng số nợ gần 11,7 tỉ đồng; còn tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã có tới 1.114 DN nợ thuế bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký, ngưng và tạm ngưng hoạt động. Số DN nêu trên nợ thuế XNK tổng cộng trên 416 tỉ đồng…
Với riêng hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, rất nhiều trường hợp DN nước ngoài nợ thuế, bỏ trốn về nước không có cách nào thu hồi được thuế do phần lớn tài sản của DN đã bị thế chấp cho NH. Và khi DN có vấn đề khó khăn trong hoạt động, NH thu hồi tài sản, cơ quan hải quan không có nguồn để trích thu hồi thuế. Tiêu biểu là trường hợp của Công ty Cổ phần GREE (trụ sở tại Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore) với số nợ lên tới 22 tỉ đồng nhưng lãnh đạo DN này đã “bặt vô âm tín”.
Thậm chí, với trường hợp nợ thuế 13 tỉ đồng của Công ty TNHH Woolim Vina Hàn Quốc (ngừng hoạt động từ cuối năm 2008), Hải quan Bình Dương cũng đã phải đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn đơn vị yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN này. Ngày 4/11/2010 Cục Hải quan Bình Dương đã đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh dừng xuất cảnh đối với chủ DN để phối hợp xử lý số nợ thuế của công ty. Tuy nhiên, vụ việc cũng vô cùng phức tạp liên quan đến tòa án, NH Việt Nam, NH LD Shinhan Vina và Công ty Woolim ind.Co.,Ltd (Công ty mẹ Công ty TNHH Woolim Vina) tại Hàn Quốc…
Cần sửa luật
Đánh giá về hiện tượng này, ông Hoàng Việt Cường – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Căn cứ vào báo cáo của các cục hải quan địa phương gửi về Tổng cục Hải quan, đến nay có khoảng trên dưới 100 DN nợ thuế bỏ trốn, tập trung chủ yếu ở địa bàn phía nam.
Theo ông Cường, nguyên nhân dẫn tới nợ thuế gia tăng là do quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu và Luật Quản lý thuế, hàng hóa nhập khẩu để gia công được miễn thuế, hàng tạm nhập tái xuất và hàng hóa là nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 275 ngày kể từ ngày mở tờ khai hải quan. Hàng hóa tạm nhập tái xuất có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm nhập tái xuất.
Trong thời gian được miễn thuế hoặc được ân hạn thời gian nộp thuế, các DN FDI đã tranh thủ nhập số lượng lớn hàng hóa, sau đó, tự ngừng hoạt động, chủ DN bỏ về nước. Hậu quả là cơ quan hải quan không thể thu hồi được khoản nợ thuế bị treo lại của các đối tượng này. Điều 15 Luật Thuế XK, thuế NK và Điều 18 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính quy định về thời hạn nộp thuế, chính sách ân hạn thuế nhằm khuyến khích DN chấp hành tốt pháp luật, ưu đãi khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, một số trường hợp DN lợi dụng để chây ỳ dẫn đến tình trạng nợ thuế quá hạn, phải cưỡng chế, cơ quan hải quan khó có khả năng thu hồi nợ đọng, nhất là những khoản nợ của DN FDI bỏ trốn về nước.
Xuất phát từ thực tế trên, đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Quản lý rủi ro – Tổng cục Hải quan đều thống nhất cho rằng, cần sớm sửa đổi quy định về miễn thuế, hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế, Luật thuế XNK; rút ngắn thời gian được ân hạn thuế theo lĩnh vực sản xuất xuất khẩu và gia công vì chu kỳ 275 ngày như hiện nay là quá dài… Đặc biệt là với các DN FDI hoạt động tại Việt Nam trong thời gian ân hạn thuế kéo dài 9 tháng, các DN này nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa, sau đó gần đến thời hạn phải nộp thuế, “tháo chạy” về nước. Nhà nước bị chiếm đoạt các khoản thuế nợ lớn, không có khả năng thu hồi, DN ngừng hoạt động và hàng ngàn lao động bị mất việc.
Ngoài ra, Cục Hải quan tại nhiều địa phương cũng cho rằng cần phải sớm cải cách tổng thể, hoàn thiện chính sách quản lý thuế. Trước mắt nên sớm sửa Luật Quản lý thuế theo hướng, hàng hóa XNK phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Việc này không chỉ liên quan đến chuyện truy thu thuế của cơ quan chức năng, mà quan trọng hơn, còn là để “làm sạch” môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, là việc làm vô cùng cần thiết.
Về biện pháp ngăn chặn nợ thuế XNK, mới đây, tại Dự thảo Luật Sửa đổi Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa XNK theo hướng quy định rõ người nộp thuế phải nộp thuế trước thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng. Trường hợp có bảo lãnh của NH thì được thông quan hoặc giải phóng hàng trước khi nộp thuế nhưng sẽ tính lãi chậm nộp để hạn chế tình trạng lợi dụng ân hạn nộp thuế, chây ỳ nợ thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế… Chỉ cho phép ân hạn nộp thuế khi người nộp thuế có bảo lãnh và còn trong thời gian được bảo lãnh.
Hiện nay, nhiều nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan… không có nợ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, DN phải nộp thuế trước khi nhập hàng. Một số nước cho chậm nộp thuế với điều kiện có tài khoản do cơ quan hải quan quản lý để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Theo đó, dù chưa nộp thuế nhưng DN vẫn được thông quan, giải phóng hàng hóa và phải trả lãi chậm nộp 0,05%/ngày, trong thời gian bảo lãnh. Thực tế, DN chậm nộp thuế phải có nghĩa vụ với nhà nước. Khi NH bảo lãnh cho DN, có phí bảo lãnh, trong khi nhà nước chưa thu được gì. Điều này sẽ tránh hiện tượng được bảo lãnh rồi, DN chây ỳ nếu cơ quan thuế không áp lãi suất như thời gian qua.
Theo Năng lượng mới (Đăng ngày 05/06/2012 )