“Nóng” cuộc đua tăng vốn của công ty chứng khoán
Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) năm 2024 “nóng” hơn bao giờ hết khi nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã thông qua tờ trình tăng vốn, hoặc công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ hơn hàng nghìn tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ của CTCP Chứng khoán MB (MBS), các cổ đông đã thông qua tờ trình phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo đó, ở phương án thứ nhất, MBS sẽ chào bán hơn 109,4 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 25% trên số lượng cổ phiếu trước phát hành cho các cổ đông. Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Với phương án phát hành riêng lẻ, công ty cho biết sẽ chào bán tối đa hơn 28,7 triệu cổ phiếu cho dưới 30 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định pháp luật, nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Giá chào bán thỏa thuận và không thấp hơn giá trị sổ sách cổ phiếu MBS theo báo cáo tài chính (BCTC) được soát xét tại thời điểm trước ngày Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua Nghị quyết triển khai phương án phát hành. Số cổ phần riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 1 năm.
Trong trường hợp cả 2 đợt phát hành thành công, MBS thu về tối đa gần 1.425 tỷ đồng. Công ty cho biết sẽ dùng nguồn vốn này để bổ sung và cung ứng vốn cho hoạt động cho vay margin (594 tỷ đồng), bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành (450 tỷ đồng), đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin (50 tỷ đồng)…
Đối với CTCP Chứng khoán VietCap (HoSE: VCI), các tờ trình chào bán và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cũng đều được các cổ đông thông qua tại ĐHCĐ năm 2024. HĐQT VCI cho biết, việc mở rộng vốn điều lệ là cần thiết để duy trì đà tăng trưởng và thị phần của công ty, chuẩn bị cho các giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của thị trường.
Theo đó, VCI sẽ phát hành 4,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương 1% số cổ phiếu đang lưu hành, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày phát hành. Tổng số tiền thu được dự kiến khoảng 53 tỷ đồng sẽ được VCI sử dụng để bổ sung vốn lưu động và giảm nợ vay.
Cùng với đó, công ty sẽ phát hành 132,5 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10:3. Nguồn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu căn cứ trên BCTC kiểm toán 2023 với mức tổng cộng là hơn 1.388 tỷ đồng, bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (1.307,5 tỷ đồng), thặng dư vốn cổ phần (13,5 tỷ đồng), quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (67,5 tỷ đồng).
Cuối cùng là phương án chào bán hơn 143,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 01 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách của công ty tại thời điểm 31/12/2023 là 16.849 đồng/cổ phiếu (căn cứ theo BCTC kiểm toán 2023). VCI cho biết với tổng số tiền tối thiểu thu về từ đợt chào bán (2.420 tỷ đồng), công ty sẽ dùng hơn 2.100 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) và 300 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh.
Cuộc đua tăng vốn đặc biệt “nóng” ở nhóm CTCK vừa và nhỏ. Trong đó, CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) gây chú ý với kế hoạch chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ 1.000:14.552. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ của LPBS sẽ gấp gần 16 lần, từ 250 tỷ đồng hiện tại lên 3.888 tỷ đồng.
Với số tiền huy động được, công ty sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành.
Đối với các CTCK, việc huy động vốn thành công là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt với những đơn vị có mô hình kinh doanh dựa vào hoạt động cho vay và giao dịch tự doanh. Mặt khác, nguồn vốn “dày” cũng là cơ sở quan trọng để các CTCK theo đuổi việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao trải nghiệm người dùng và theo đuổi chiến lược phí 0 đồng để mở rộng thị phần môi giới.
Huy động vốn được đánh giá là yếu tố quyết định việc tăng biên lợi nhuận mảng cho vay ký quỹ - động lực tăng trưởng quan trọng của các CTCK. Những công ty có thị phần môi giới lớn và có khả năng huy động được lượng vốn lớn sẽ có nhiều dư địa phát triển hoạt động cho vay ký quỹ trong tương lai. Cùng với đó, tăng vốn cũng là một trong những yếu tố chính quyết định tăng trưởng của hoạt động tự doanh - mảng quan trọng thứ hai trong mô hình kinh doanh của các CTCK.
Nhìn chung, các chuyên gia VNDirect đánh giá, việc tăng vốn thành công của CTCK sẽ tạo kỳ vọng về kết quả kinh doanh tốt và hỗ trợ tăng giá cổ phiếu. Vì vậy, nhiều khả năng năm 2024 sẽ chứng kiến sự hồi sinh của hoạt động phát hành riêng lẻ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và IPO chưa hồi phục hoàn toàn.
Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân khác thúc đẩy cuộc đua tăng vốn giữa các CTCK là nhằm đón đầu “sóng” nâng hạng thị trường, với hệ thống KRX vận hành với nhiều sản phẩm mới cho thị trường như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về… Hoặc, việc nới quy định ký quỹ với nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, không chỉ cần đáp ứng quy mô nguồn vốn, các CTCK cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ cho khách hàng.