Nông dân tỉnh Gia Lai thu tiền tỷ từ trồng sầu riêng
Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (tổ dân phố 5, thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai) thu hàng tỷ đồng từ 4 ha sầu riêng và nhãn.
Bà Thanh quê ở tỉnh Hà Nam. Do ở quê kinh tế khó khăn, năm 1991, vợ chồng bà quyết định chuyển vào xã Tà Nung (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) sinh sống. Ban đầu, vợ chồng bà duy trì nghề đan nong truyền thống để bán. Khi có ít vốn, vợ chồng bà vay mượn thêm người thân để mua đất sản xuất. Cứ thế, chỉ sau 3 năm, vợ chồng bà đã có tổng cộng 5 ha đất trồng cà phê.
Năm 2004, trong lần sang thăm người thân tại thị trấn Chư Prông, nhận thấy nơi này có đường giao thông, bệnh viện, trường học thuận lợi, gia đình bà quyết định bán hết nương rẫy ở Lâm Đồng để qua đây lập nghiệp.
“Do giá đất hồi đó còn rẻ nên vợ chồng tôi bán hết nhà cửa, đất đai mà chẳng được bao nhiêu. Khi qua Gia Lai, vợ chồng tôi chọn nghề mua bán cà phê để có thu nhập. Nhờ làm ăn may mắn, đến năm 2015, vợ chồng tôi đủ tiền mua 3 ha cà phê và chuyển hẳn sang làm vườn”-bà Thanh nhớ lại.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây, bà Thanh cho biết thêm: Năm 2016, do vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp nên vợ chồng bà quyết định phá bỏ để trồng sầu riêng Thái.
Để vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao, bà tham gia các lớp tập huấn và lên mạng học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc. Đồng thời, bà nuôi thêm gà để lấy phân bón cho cây sầu riêng. Đến năm 2020, gia đình bà trồng được tổng cộng 300 cây sầu riêng.
“So với trồng cà phê thì trồng sầu riêng tốn ít công sức mà giá trị kinh tế mang lại cao hơn. Riêng năm 2023, chỉ mới có 200 cây cho thu hoạch nhưng gia đình tôi đã thu về gần 30 tấn quả. Với giá bán trung bình 70 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình lãi gần 1,5 tỷ đồng”-bà Thanh phấn khởi cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc vườn cây cho năng suất cao, bà Thanh cho biết, theo thời gian, tán cây sầu riêng ngày càng rộng và năng suất cũng tăng dần. Khi sầu riêng ở giai đoạn kinh doanh phải chú trọng việc bón phân, tưới nước đúng liều lượng và thời điểm, đặc biệt là giai đoạn cây ra hoa, đậu quả.
“Kinh nghiệm của tôi là trước khi sầu riêng ra hoa khoảng 1 tháng thì tưới nước đảm bảo độ ẩm vừa phải, sau đó bón thêm phân kali để cây ra hoa nhiều và đều hơn. Đến khoảng tháng 12 dương lịch hàng năm, sầu riêng ra hoa là tôi theo dõi và bón 3-4 đợt phân hữu cơ để cây đủ dinh dưỡng nhằm tăng tỷ lệ đậu quả.
Đặc biệt, giai đoạn nuôi quả, tôi bón thêm phân kali cho cây để cơm ngon và dẻo hơn”-bà Thanh chia sẻ.
Cũng theo bà Thanh, gia đình còn trồng thêm hơn 1.000 cây nhãn xen trong vườn sầu riêng. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho ra quả trái vụ nên nhãn bán được giá cao. Mỗi năm, gia đình bà thu 6-7 tấn quả, bán được 150-200 triệu đồng.
Bà Thanh chia sẻ thêm: “Để cải thiện thêm thu nhập, mới đây, tôi đã xây dựng nhà nuôi yến trị giá hơn 1 tỷ đồng. Riêng đối với vườn nhãn và sầu riêng, tôi chú trọng trồng theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bán được giá hơn.
Riêng đối với cây sầu riêng, tôi tham gia liên kết với Hợp tác xã Minh Phát Farms để được hướng dẫn chăm sóc theo hướng VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng”.
Bà Nguyễn Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Prông-cho biết: Trong những năm qua, gia đình bà Thanh rất chịu khó và sáng tạo trong lao động sản xuất để nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, bà Thanh đang tạo việc làm ổn định cho 3 hộ khó khăn ở tổ 5 và tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, bà cũng nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, góp phần xây dựng Hội vững mạnh.
Vì thế, liên tục từ năm 2019 đến nay, gia đình bà Thanh được Hội Nông dân thị trấn tặng giấy khen là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi.