Nông nghiệp Việt Nam với “sân chơi” có mức thuế bằng 0
(Tài chính) Khi Hiệp định TPP được ký kết và có hiệu lực, thuế nhập khẩu hàng hóa vào các thị trường liên quan sẽ bằng “0”. Hàng hóa xuất khẩu chủ lực của nước ta, trong đó nhiều sản phẩm nông nghiệp sẽ như thế nào trong khuôn khổ TPP?
Mục tiêu ban đầu của Hiệp định TPP là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1/1/2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính phủ các nước.
Không thể bằng lòng với sản phẩm thô
Con số xuất khẩu nông-lâm-thủy sản mang về hơn 27,5 tỷ USD, đạt tăng trưởng 2,72% GDP (trong tổng số 5,03% tăng trưởng chung của toàn nền kinh trong năm 2012) đã đưa ngành nông nghiệp về đúng vị trí hàng đầu của một đất nước đi lên từ nông nghiệp.
Với việc gia nhập TPP, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu đã có mức thuế 0%. Chẳng hạn tại thị trường Mỹ (nước đang tham gia đàm phán TPP), các sản phẩm như cà phê, thủy hải sản, tôm cá, rau củ, trái cây... đã được hưởng mức thuế này. Vì vậy việc ký TPP có thể sẽ tạo thêm sự bền vững cho xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam.
Tại Mỹ, Việt Nam là 1/15 quốc gia XK nông sản nhiều nhất vào thị trường này. Nông sản của ta (hạt điều, cà phê, tôm, cá tra, hồ tiêu, cao su, đồ gỗ chế biến, trái cây) đã được chấp thuận vào thị trường Mỹ khi đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Vì vậy, tiêu chí an toàn thực phẩm hết sức quan trọng.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với mức thuế chỉ còn 0%, nhiều khả năng các mặt hàng nông sản XK của ta có thể tăng nhiều lần. Bà Lan dẫn chứng: Thực tế, với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) hay khi Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch XK của ta sang Mỹ và Nhật đã tăng vọt. Chỉ đơn cử mặt hàng cá tra, từ chỗ kim ngạch XK sang Hoa Kỳ chỉ đạt mấy triệu USD, nay chúng ta đã xuất đạt hàng tỷ USD ngay cả khi phải chống chọi với các hàng rào thuế quan.
Tuy nhiên, bà Chi Lan cũng cảnh báo “cái được và cái mất luôn đan xen nhau", nên vấn đề là chúng ta làm gì để tận dụng ưu thế và hạn chế nhược điểm. Cũng chính vì thế, chuyên gia này luôn trăn trở “nếu ta chỉ XK nguyên liệu thô thì nông nghiệp thật khó vươn đúng tiềm năng”.
Cơ hội để “giã từ” sản xuất manh mún
Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong Hiệp định TPP về mảng nông nghiệp, các nước tham gia sẽ cùng chuyển sang kiểm soát tất cả rủi ro trong quá trình sản xuất và có cơ sở để đánh giá rủi ro. Thậm chí, trong khi XK, các doanh nghiệp đã chứng minh được chuỗi sản xuất của mình là an toàn, thì không cần chứng nhận nữa.
Như vậy, chi phí cho doanh nghiệp sẽ được giảm bớt rất nhiều, vì hiện tại, tất cả các doanh nghiệp XK thủy sản, nông sản của Việt Nam đều phải có chứng nhận (chứng nhận kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật hay chứng nhận về an toàn thực phẩm…).
Những chứng nhận này thường khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí kiểm nghiệm, do vậy sự chuyển đổi cơ chế trong giám sát, quản lý an toàn thực phẩm khiến doanh nghiệp sẽ bớt được rất nhiều quan ngại.
Như vậy áp lực “chơi theo luật” vơi bớt trên đôi vai của doanh nghiệp đã được san sẻ đến toàn chuỗi sản xuất. Điều đó đồng nghĩa là khi một mắt xích yếu cũng có thể khiến toàn chuỗi đứt gãy. Nhìn tổng thể nền nông nghiệp Việt, mắt xích yếu nhất có lẽ là sự sản xuất manh mún vẫn còn phổ cập hiện nay.
Cụ thể với thị trường Mỹ, ông Nguyễn Duy Khiên cho rằng với mặt hàng hoa quả, Mỹ không phải là thị trường khó tính nhưng việc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam so với năng lực sản xuất vẫn còn rất hạn chế.
Theo ông Khiên, vấn đề quan trọng nhất khi XK vào thị trường này là cần phải giữ được 3 điều: Ổn định khối lượng hàng/ổn định về chất lượng/ổn định về thời gian giao hàng.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có vùng trồng chuyên canh đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu XK. Hiện mới chỉ có thanh long có quy mô sản xuất công nghiệp, còn lại nhãn, vải chỉ sản xuất nhỏ tại Hải Dương, Hưng Yên. Một số loại quả của ta còn đang ở tình trạng thích thì trồng, không lại phá, như vậy rất khó có hàng hóa để đáp ứng cho XK. Chưa kể đến trái cây, rau quả hay những mặt hàng nông sản của Việt Nam khi XK thường vướng vào quy định an toàn vệ sinh thực phẩm nên thường không có được khách hàng truyền thống.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng điều cần hướng tới lúc này là phải đẩy mạnh hơn nữa việc XK các mặt hàng nông sản tinh chế. Các sản phẩm tinh chế đòi hỏi phải thông qua cả chuỗi sản xuất. Và như đã thỏa thuận tại TPP, song song với việc đảm bảo năng suất là việc đảm bảo chất lượng cho từng khâu sản xuất.
“Phải tính đến những thay đổi để có các chính sách đi kèm chứ không chỉ xuất nguyên liệu thô. TPP sẽ đem lại động lực để nông nghiệp Việt Nam đi theo cách này”, bà Lan nhấn mạnh.
TPP là một trong những hiệp định đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại nói chung, trong đó có ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của chúng ta.
Để có thể vững vàng trong sân chơi lớn này, chúng ta cần tiếp tục củng cố cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và nâng cao khả năng quản lý trong nông nghiệp.
Cạnh tranh gay gắt khi tham gia TPP buộc chúng ta phải có những thay đổi tích cực để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có chỗ đứng. Đây cũng là cơ hội để tiếp cận thị trường chất lượng cao trong phân khúc thị trường thế giới, giúp nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi hình ảnh “nông nghiệp giá rẻ”. Nói cách khác, TPP giống như một cuộc cách mạng thôi thúc ngành Nông nghiệp nước ta phải tiến bước.