Nông sản Mỹ lao đao trước đòn thuế quan trả đũa của Trung Quốc
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố chính thức đánh thuế trị giá 34 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nước này ngay lập tức tuyên bố áp thuế trị giá tương tự (34 tỷ USD) hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhắm trực tiếp vào các vùng nông thôn Mỹ đã bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump.
Tạp chí Politico của Mỹ cho biết, hành động này của Trung Quốc là đòn đáp trả đối với thuế quan hơn 800 sản phẩm Trung Quốc như thiết bị y tế và phụ tùng ô tô vào ngày 6/7 vừa qua.
Bắc Kinh sẽ áp mức thuế 25% đối với 545 mặt hàng Mỹ, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp như đậu tương, bông, gạo, lúa miến, thịt bò, thịt lợn, sữa, các loại hạt và sản phẩm.
Những người trồng đậu tương tại Mỹ bị ảnh hưởng rất nặng nề, bởi có tới 1/3 sản lượng đậu tương của Mỹ (trị giá khoảng 14 tỷ USD) được xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm, chủ yếu để làm thức ăn cho ngành nuôi lợn khổng lồ của Trung Quốc.
Ông Brent Gloy, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue (Mỹ), điều hành một trang trại ở Tây Nam Nebraska cho biết, tổn thất đối với nông sản Mỹ là rất lớn và điều rất đáng lo ngại là các vòng đánh thuế trả đũa có thể còn tiếp diễn. Hiện tại, Trung Quốc đã tìm kiếm xây dựng mối quan hệ lâu dài với các bạn hàng Brazil để thay thế nguồn cung nông sản từ Mỹ.
“Thị trường đã thực sự sụt giảm. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong nhiều tháng tới hoặc thậm chí nhiều năm tới, và đó là một vấn đề lớn ”, Gloy nói. Ông ước tính, lợi nhuận dự kiến cho đậu tương đã giảm gần 100 USD/ha trong vài tháng qua.
Trong khi đó, các ngành nông nghiệp khác của Hoa Kỳ như thịt lợn và trái cây sắp bị ảnh hưởng bởi làn sóng trả đũa thứ hai của Trung Quốc. Theo Rabobank, thịt lợn của Mỹ đã tăng thêm 71% thuế quan, và sản phẩm này có nguy cơ phải đóng cửa thị trường khổng lồ Trung Quốc.
Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu số 2 cho thịt lợn của Mỹ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2017.
Những người trồng cây đặc sản cũng có thể bị một cú đánh khó khăn. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất cho các nhà sản xuất cherry ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Theo ông Mark Powers, Chủ tịch Hội Làm vườn vùng Tây Bắc (Mỹ), Trung Quốc đã nhập khẩu 130 triệu USD cherry tại vùng này vào năm ngoái.
Trước khi ông Trump đánh thuế nhôm và thép từ Trung Quốc, mức thuế đối với cherry Mỹ là 10%. Con số này tăng lên 25% và từ ngày 6/7, nâng tiếp lên 50% để trả đũa việc Mỹ đánh thuế trị giá 34 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hơn 50% sản lượng táo xuất khẩu của các vùng Oregon, Washington và Idaho là đối tượng chịu thuế trả đũa.
Các tổ chức nông nghiệp của Hoa Kỳ bao gồm Liên đoàn Cục Nông nghiệp Hoa Kỳ, Hiệp hội Đậu tương Hoa Kỳ, Hiệp hội Người trồng Ngô Quốc gia và Hội đồng Nhà sản xuất Thịt lợn Quốc gia đã cầu xin với chính quyền Trump áp dụng một chiến lược khác để duy trì đối tác thương mại.
Các tổ chức này cho biết, những người trồng trọt và chăn nuôi Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng nông sản giảm giá trong 4 năm qua và cú sốc tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ là thách thức quá lớn đối với họ.
Thay vào đó, chính quyền Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue lập kế hoạch bù đắp cho lợi nhuận bị mất của các nhà sản xuất Mỹ và đảm bảo ngành nông nghiệp không chịu sự trả đũa một mình trong nhiệm vụ cân bằng 500 tỷ USD của ông Trump.