Chứng khoán Mỹ: Khốn khó quay trở lại

Theo Khánh Phương/doanhnhansaigon.vn

Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã có 8 phiên liên tiếp đi xuống trước khi có phiên bật lại ngắn ngủi vào cuối tuần qua. Đây là chuỗi giảm điểm dài nhất của chỉ số này trong 15 tháng qua.

Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã có 8 phiên liên tiếp đi xuống. Nguồn: internet
Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã có 8 phiên liên tiếp đi xuống. Nguồn: internet

Ngoài nguyên nhân về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, thì nỗi lo về rủi ro chiến tranh thương mại lan rộng là yếu tố chính tác động xấu lên thị trường chứng khoán Mỹ gần đây.

Trung Quốc và Mỹ - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay luôn đe dọa áp hàng rào thuế quan trả đũa lẫn nhau, và tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc có thể áp thuế bổ sung lên đến 400 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc như giọt nước làm tràn ly, gây rúng động khắp các thị trường.

Cuộc chiến thương mại này nếu xảy ra (dường như đã bắt đầu) thì sẽ lây lan sang các nền kinh tế khác và khiến thương mại toàn cầu có thể trì trệ. Vì không loại trừ khả năng 2 nước này sẽ có thêm những chính sách thuế quan mới áp lên những nền kinh tế khác để bảo vệ sản xuất nội địa.

Trong khi đó, nếu như hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc bị ngăn chặn do hàng rào thuế quan gây ra, thì lượng hàng hóa dư thừa có thể tìm cách đổ sang những thị trường khác và có thể bị nước sở tại sử dụng chính sách bảo hộ để ngăn chặn.

Các nhà đầu tư cũng như giới phân tích đều cho rằng những căng thẳng và hàng rào thuế quan được thiết lập gần đây sẽ trở thành lực cản đối với nền kinh tế toàn cầu. Những mối lo ngại này đến từ kinh tế Mỹ mà ngày càng tiến gần đến giai đoạn cuối của quá trình tăng trưởng.

Với nỗi lo sợ như thế, không chỉ thị trường Mỹ chịu áp lực điều chỉnh, mà các thị trường chứng khoán khác cũng chìm sâu trong tuần qua. Chỉ số Shanghai của Trung Quốc có những ngày mất hơn 3%, trong khi HangSeng của Hàn Quốc có lúc giảm hơn 900 điểm. 

Trong khi đó, chỉ số các ngành công nghiệp giảm đáng kể trong những phiên gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó những công ty có doanh thu lớn ở thị trường nước ngoài như hãng sản xuất máy bay Boeing, công ty đa quốc gia 3M, tập đoàn đa ngành chuyên về thiết kế, phát triển, sản xuất, quảng cáo và bán máy móc, động cơ đốt trong, dịch vụ tài chính và bảo hiểm Caterpilla dẫn đầu sự đi xuống.

Diễn biến trái chiều trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng là điều đáng quan tâm. Trong khi các chỉ số chính như Dow Jones và S&P chịu áp lực đi xuống, thì chỉ số Nasdaq của nhóm cổ phiếu công nghệ lại liên tiếp tăng. Chính sách ngăn chặn các công ty công nghệ của Trung Quốc tham gia thị trường Mỹ của chính quyền Trump có thể làm doanh nghiệp cùng ngành của Mỹ được hưởng lợi.

Dù vậy, không phải mọi công ty công nghệ của Mỹ đều vui mừng với điều này. Như trường hợp của hãng sản xuất Iphone là Apple, với nhà máy đang đặt tại Trung Quốc cùng với hàng trăm cửa hàng tại đây thì vô hình trung chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ lại ảnh hưởng đến doanh nghiệp này.

Vào tháng trước, giám đốc điều hành của Apple là Tim Cook đã đến Nhà Trắng để cảnh báo Tổng thống Trump về việc căng thẳng với Trung Quốc có thể đe dọa đến Apple. Mặc dù chính quyền Trump nói với Cook rằng họ sẽ không áp thuế trên iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng điều Apple lo lắng là Trung Quốc sẽ trả đũa theo những cách làm xáo trộn kinh doanh của Hãng, bằng cách gây chậm trễ cho chuỗi cung ứng của Apple và tăng cường giám sát sản phẩm dưới danh nghĩa vì an ninh quốc gia.

Chỉ số Russell 2000 đo lường giá trị vốn hóa của những doanh nghiệp nhỏ trên thị trường Mỹ, đa số là những doanh nghiệp sản xuất nội địa, gần đây cũng liên tiếp tăng. Rõ ràng chính sách bảo hộ của Mỹ phần nào có lợi cho những doanh nghiệp nhỏ này khi chủ yếu sản xuất trong nước và không bị ảnh hưởng bởi vấn đề thương mại, thậm chí với hàng rào thuế mới sẽ giúp các doanh nghiệp này hạn chế được sự cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Căng thẳng thương mại đang diễn ra cũng sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn, công ty đa quốc gia - những doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ có mức vốn hóa lớn và chiếm tỷ trọng đáng kể trong các chỉ số chứng khoán của nước này, do đó mỗi khi nhóm doanh nghiệp này đi xuống thì các chỉ số chính "đỏ lửa" là tất yếu. Và với những gì đang diễn ra, có lẽ thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh và khó lường ít nhất cho đến khi có kết quả kinh doanh quý II vào tháng 7 tới.