Nước Anh vẫn giữ vị thế trung tâm ngoại tệ và phái sinh lãi suất lớn nhất thế giới
Vương quốc Anh vẫn là trung tâm lớn nhất thế giới về ngoại hối và phái sinh lãi suất bất chấp những lo ngại cho rằng nước này có thể sẽ để mất vị thế đó do việc rời EU, còn gọi là Brexit.
Nước Anh hiện nay thậm chí còn nắm giữ thị phần lớn nhất trong hoạt động kinh doanh thị trường phái sinh dùng đồng euro làm quy chuẩn, chiếm tới 86% hoạt động mua bán dù EU đã nhiều lần cảnh báo các hoạt động mua bán trên thị trường phái sinh lấy đồng euro quy chuẩn phải được thực hiện trong EU nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra.
Ông Andrew Bailey - người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ tài chính Anh (FCA) và là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh sắp tới - nhận định ngành dịch vụ tài chính Anh vẫn còn phải chuẩn bị nhiều hơn nữa để đối phó với tình huống xảy ra Brexit không thỏa thuận.
Hiện nay, mỗi ngày có 3.500 tỷ USD ngoại tệ được giao dịch tại Anh với thị trường giao dịch chủ yếu tập trung tại khu tài chính London. Với khối lượng giao dịch này, Anh đã nắm giữ tới 43% thị phần giao dịch ngoại tệ của toàn thế giới, tăng 6% so với cách đây ba năm.
London nắm giữ tỷ trọng giao dịch buôn bán ngoại tệ và phái sinh lãi suất cao gần gấp đôi so với New York (Mỹ).
Hiện tại, New York được xếp thứ sáu trên toàn thế giới về lĩnh vực kinh doanh này, tiếp theo là Singapore, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản).
Việc Anh vẫn “thống lĩnh” hoạt động thị trường phái sinh lãi suất dùng đồng euro làm quy chuẩn cho thấy London tiếp tục và ngày càng gia tăng vị thế là thị trường vốn của châu Âu.
Giám đốc điều hành của TheCityUK, Miles Celic, khẳng định Anh hiện đang có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong các ngành dịch vụ tài chính và các ngành có liên quan, và điều quan trọng là vị thế của London không hề bị ảnh hưởng bởi vấn đề Brexit.
Ông Celic cho rằng Chính phủ Anh cần phải tăng cường sức hấp dẫn của nước này như một nơi để đầu tư và làm kinh doanh.