Nước Anh vẫn rối bời trước giờ “ly hôn”
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới ngày 31/10, thời hạn chót cho việc hoàn tất tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - được gọi tắt là tiến trình Brexit, chính trường Anh liên tục chao đảo do những bất đồng nội bộ liên quan tới thỏa thuận “ly hôn” này.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn đang rất rối bời đối với chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cho mục tiêu hoàn thành Brexit đúng tiến độ bằng mọi giá, cho dù không đạt được thỏa thuận. Ở trong nước, chính phủ đang vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ Tự do khi đảng này chính thức thông qua chính sách hủy Brexit.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán gần đây nhất với EU vẫn bế tắc, đặc biệt là về vấn đề chốt chặn.
Khó khăn từ chính trường trong nước
Khó khăn mới nhất mà chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson phải đối mặt trong việc thuyết phục chính trường trong nước hậu thuẫn cho tiến trình Brexit đó là việc đảng Dân chủ Tự do đã củng cố quan điểm bài Brexit.
Tại đại hội của đảng này diễn ra hôm 15-9, các thành viên đã thông qua chính sách rút lại việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon hồi tháng 3-2017, đồng nghĩa với việc chấm dứt Brexit. Hiện đảng này chỉ giữ 18 ghế trong quốc hội 650 ghế của Anh, song rõ ràng đây được xem là một lực cản đối với chính phủ trong việc thúc đẩy Brexit.
Đáng chú ý, đảng Dân chủ Tự do hy vọng với chủ trương bài Brexit, sẽ nhận được phiếu bầu của 16 triệu cử tri ủng hộ việc ở lại EU hồi năm 2016 và giành đủ ghế để thành lập một chính phủ Dân chủ Tự do, khi đó, câu chuyện về Brexit chắc chắn sẽ thêm phần phức tạp.
Việc đảng Dân chủ Tự do chính thức thông qua chính sách bài Brexit là diễn biến mới nhất nhưng đây chưa phải là lực cản lớn nhất đối với tiến trình Brexit của ông Boris Johnson. Cam kết của ông là đưa Anh rời khỏi EU bằng mọi giá, đúng tiến độ ngay cả khi không đạt được thỏa thuận.
Song, điều này sẽ rất khó thực hiện khi mới đây, Quốc hội Anh đã thông qua dự luật nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận bằng cách buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh thêm 3 tháng - tức là đến ngày 31/1/2020 - nếu vào ngày 19-10 tới, Quốc hội Anh hoặc không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc không đồng ý rời EU không thỏa thuận.
Để cứu vãn tình hình, Thủ tướng Anh đã lần thứ hai đề xuất tiến hành bầu cử sớm và thậm chí là quyết định đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội Anh. Tuy nhiên, ông Boris Johnson lại một lần nữa thất bại. Cuộc bỏ phiếu mới nhất này được tiến hành ngay trước khi Quốc hội Anh bắt đầu tạm ngừng hoạt động sau khi kết thúc ngày làm việc 9-9 và kéo dài trong vòng một tháng theo yêu cầu của Thủ tướng Johnson.
Theo ông, việc này là cần thiết để chính phủ lên lịch cho chương trình nghị sự trong nước. Tuy nhiên, đề nghị của ông đã vấp phải sự chỉ trích là nhằm ngăn chặn quốc hội cản trở Brexit diễn ra theo đúng kế hoạch.
Chủ tịch Hạ viện John Bercow khẳng định việc chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14-10 là “vi phạm hiến pháp”, cho rằng động thái này được đưa ra để ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia.
Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn cũng cho rằng kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia. Trước đó, ngày 4/9, Hạ viện Anh cũng đã bỏ phiếu bác đề xuất của Thủ tướng Johnson tiến hành bầu cử sớm vào ngày 15/10.
Chưa có tiếng nói chung với đối tác EU
Cho đến thời điểm này, các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Anh và EU vẫn chưa đưa đến một kết quả cụ thể nào. Theo các nguồn tin châu Âu, Anh vẫn không đề xuất được bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào đối với điều khoản “chốt chặn”, vốn được coi là trở ngại chính để EU và Anh có thể đạt được thỏa thuận Brexit.
Tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên diễn tại Luxembourg, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã không đạt được bất kỳ bước đột phá nào, mặc dù trước đó Chính phủ Anh khẳng định đã có một cuộc gặp mang tính xây dựng với đại diện châu Âu. Ông Johnson và ông Juncker chỉ nhất trí rằng các cuộc đàm phán Brexit cần phải được tăng cường, với các cuộc gặp giữa các quan chức hai bên phải diễn ra hàng ngày.
Về phía Thủ tướng Anh, ông khẳng định sẽ không nhất trí một “thỏa thuận ly hôn” bao gồm cơ chế “chốt chặn”, một điều khoản tạm thời giữ Anh ở lại Liên minh hải quan EU nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit, cũng như không trì hoãn Brexit đến sau thời hạn chót 31/10, cho dù không đạt được thỏa thuận.
Trong khi đó, văn phòng ông Juncker cho biết ông đã tận dụng cả cuộc gặp ăn trưa tại Luxembourg để tái khẳng định lập trường của EU rằng Anh phải có trách nhiệm đưa ra giải pháp thay thế khả thi cho điều khoản “chốt chặn”, vốn được người tiền nhiệm Theresa May nhất trí với EU hồi tháng 11 năm ngoái nhưng sau đó bị Quốc hội Anh bác bỏ tới 3 lần. Chủ tịch Juncker nhấn mạnh EC luôn sẵn sàng và cởi mở xem xét bất kỳ đề xuất nào có thể đáp ứng được mục tiêu “chốt chặn”, song những đề xuất này vẫn chưa được đưa ra.
Cơ chế “chốt chặn” nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit là yếu tố gây tranh cãi nhất của trong thỏa thuận Brexit và EU. Những người mang quan điểm bài châu Âu lo ngại vì điều khoản này, Anh sẽ luôn mắc kẹt trong khu vực thương mại của khối. Do vậy, Thủ tướng Anh đang tìm cách sửa đổi điều khoản này trong thỏa thuận mà EU và người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May nhất trí hồi tháng 11/2018.
Như vậy, xét tổng thể các yếu tố nội - ngoại, nước Anh đang vướng vào một mớ bòng bong và chưa có dấu hiệu đạt được một sự đồng thuận hay chí ít là sự nhượng bộ giữa các bên để đi đến quyết định có hoàn hành Brexit đúng lịch trình 31/10 hay không và nếu có thì các bên có đạt được một thỏa thuận hay sẽ chia tay mà không ký kết được gì.