Nước hồ thủy điện lưu vực sông Đà thấp nhất trong 30 năm qua
Tại các hồ thủy điện lưu vực sông Đà, mặc dù đang trong giai đoạn lũ chính vụ nhưng không xuất hiện trận lũ nào đáng kể, lượng nước về thấp nhất trong 30 năm trở lại (kể từ khi có Thủy điện Hòa Bình).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, cập nhật đến hết tháng Tám, lượng nước về các hồ thủy điện vẫn tiếp tục thấp, hầu hết đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2018, với tần suất từ 75-99%.
Đặc biệt là các hồ thủy điện lưu vực sông Đà, mặc dù đang trong giai đoạn lũ chính vụ nhưng không xuất hiện trận lũ nào đáng kể, lượng nước về thấp nhất trong 30 năm trở lại đây (kể từ khi có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình).
Tính đến ngày 31/8/2019, mực nước của 37 hồ thủy điện của EVN đều thấp hơn cùng kỳ 2018; trong đó, có 23 trong tổng số 26 hồ chứa có quy định về mực nước theo Quy trình vận hành ở mức thấp hơn so quy định. Tổng dung tích hữu ích ở các hồ thủy điện khoảng 14,7 tỷ m3 thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 11,2 tỷ m3 (tương ứng với lượng điện năng khoảng 2,5 tỷ kWh).
Để đảm bảo vận hành điện trong giai đoạn khó khăn do thiếu nguồn nước về các hồ thủy điện, EVN sẽ thực hiện nghiêm theo quy trình điều tiết liên hồ chứa thủy điện. Đồng thời, hạn chế khai thác các hồ chứa phía Bắc để đảm bảo mục tiêu tích nước vào cuối năm. Các khu vực còn lại huy động đảm bảo mực nước giới hạn theo quy trình và yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng điện, EVN sẽ phải khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than; điện khí khai thác theo khả năng cấp nhiên liệu. Các đơn vị chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Tập đoàn về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thuỷ điện và vùng hạ du trong mùa mưa bão. Cùng đó, vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc-Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam.
Báo cáo của EVN cho hay, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng Tám đạt 21,26 tỷ kWh (trung bình 685,8 triệu kWh/ngày), tăng 8,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 160,82 tỷ kWh, tăng 10,86% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng Tám ước đạt 19,13 tỷ kWh; lũy kế 8 tháng năm 2019 ước đạt 139,06 tỷ kWh, tăng 10,29% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,86%. Sản lượng điện mặt trời phát lên lưới trong tháng 8 trung bình khoảng 31,1 triệu kWh/ ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 4,5% sản lượng phát toàn hệ thống.
Việc chủ động ứng phó với các cơn bão số 3, 4 và các đợt mưa lũ ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới ở miền Trung được các đơn vị triển khai thực hiện rất tích cực, khôi phục nhanh nhất có thể các sự cố về điện tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Trào lưu truyền tải trong tháng Tám vẫn theo hướng từ miền Bắc vào miền Trung và từ miền Trung vào miền Nam với sản lượng điện truyền tải ước đạt 17,6 tỷ kWh. Công suất truyền tải cao nhất trên trên các đường dây 500kV Bắc-Trung là 2.000 MW và Trung-Nam là 2.950 MW. Sản lượng điện truyền tải vào miền Nam khoảng 31,1 triệu kWh/ngày (tương đương 10,4% nhu cầu điện miền Nam).
Về công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng, đến nay đã có 35 trong số 63 tỉnh/thành phố đã ban hành cơ chế một cửa liên thông giữa cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện trong việc cung cấp điện trung áp cho khách hàng gồm thành phố Hà Nội, Thành phố. Hồ Chí Minh, 14 tỉnh phía Bắc, 10 tỉnh miền Trung và 9 tỉnh ở phía Nam.
Trong 8 tháng đã có 8,2 triệu khách hàng (chiếm 31% tổng số khách hàng) đã thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Các Tổng Công ty Điện lực đã làm việc với các khách hàng trọng điểm sử dụng điện (trên 3 triệu kWh/năm) và đã ký thỏa thuận tham gia chương trình Điều chỉnh phụ tải (DR) phi thương mại với 3.035 khách hàng với tổng công suất đỉnh tiềm năng tiết giảm được là 1.552 MW.
Về Chương trình điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2019, đã có 12.765 công trình điện Mặt Trời mái nhà đăng ký bán điện cho EVN với tổng sản lượng điện bán là 30,5 triệu kWh; trong đó, tổng công suất các công trình điện mặt trời mái nhà của khách hàng là 216 MWp.
Tuy nhiên, Quyết định 11/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019 nhưng đến nay chưa có cơ chế cho giai đoạn sau ngày 01/7/2019.
Vì vậy, các đơn vị chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn khách hàng cũng như chưa thực hiện được các thủ tục mua bán điện từ các dự án điện Mặt Trời mái nhà của khách hàng mới. Hiện nay, Tập đoàn đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương để thực hiện việc ký hợp đồng mua điện với các chủ đầu tư các dự án điện Mặt Trời mái nhà.
Về đầu tư xây dựng nguồn điện, trong tháng 8/2019 đã hoàn thành chạy thử thách 30 ngày dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; tiếp tục triển khai dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng theo tiến độ. Về lưới điện, lũy kế 8 tháng đầu năm, EVN và các đơn vị khởi công được 88 dự án điện các cấp điện áp từ 110 kV đến 500 kV; đóng điện, đưa vào vận hành 91 dự án.