Nước rút tăng tốc xuất khẩu cuối năm
Hai tháng cuối cùng của năm 2018 là cơ hội "vàng" để các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như nông lâm thuỷ sản, công nghiệp tiêu dùng có thể tranh thủ để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy thế, các doanh nghiệp không thể chủ quan khi những thách thức trên thị trường xuất khẩu vẫn còn đó.
Nói về điểm sáng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong hai tháng còn lại của quý cuối năm 2018, GS.,TS. Võ Tòng Xuân cho biết nhu cầu của thị trường thế giới về những sản phẩm này đã bắt đầu tăng lên từ tháng 9, tháng 10 cho tới nay để phục vụ dịp Tết.
Chẳng hạn như những doanh nghiệp (DN) ngành cá đang tập trung sản xuất để đẩy mạnh việc cung cấp sang thị trường các nước phương Tây để họ có đủ lượng thực phẩm này trong mùa Tết. Xuất khẩu trái cây nhiệt đới cũng tương tự như vậy.
Nhiều mặt hàng triển vọng
"Chính xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam sẽ thắng trái cây của các nước phương Tây. Họ sẽ luôn luôn muốn mua trái cây của mình. Đi đến nhiều quốc gia, tôi thấy rằng nhu cầu sử dụng trái cây nhiệt đới rất lớn, nhất là trong các bữa ăn hàng ngày, vì đây là những thực phẩm tốt cho sức khoẻ nên họ phải nhập trái cây từ những quốc gia nhiệt đới như Việt Nam", ông Xuân chia sẻ.
Theo dự báo, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong năm nay có thể sẽ đạt ngưỡng 40 tỷ USD. Trong đó, quý IV được cho là quý có nhiều diễn biến thuận lợi, tăng cao nhất ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực do nhu cầu tiêu dùng quốc tế những tháng cuối năm tăng như trái cây nhiệt đới, gạo, hạt điều, cá tra, tôm… Trong đó, xuất khẩu tôm có thể cán đích ở mức gần 3,8 tỷ USD.
Hiện, Việt Nam có đến 10 nhóm hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm. Trong đó, 5 mặt hàng: Tôm, rau quả, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm.
Trao đổi thêm với Thời báo Kinh Doanh, GS.,TS. Võ Tòng Xuân cho rằng vai trò của cây ăn quả ở Việt Nam tới đây sẽ vượt qua cây lúa bởi tính độc đáo. Đơn cử như vải thiều Việt ngon hơn vải thiều Thái, hay đặc biệt như các loại trái đu đủ, dứa, xoài, vú sữa… đang xuất đi nhiều thị trường. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng ta là chưa làm theo chuỗi, chưa gắn kết được chuỗi liên kết 4 nhà (nhà nông – Nhà nước – nhà khoa học và nhà DN).
Ngoài nông lâm thuỷ sản, theo dự báo của Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm nay, công nghiệp tiêu dùng tiếp tục tăng do nhu cầu lớn đến từ các sản phẩm phục vụ mùa Đông có giá trị cao và phục vụ các dịp lễ tết.
xuất khẩu dệt may năm nay có thể sẽ đạt 28,5 tỷ USD (tăng khoảng 9,5%). Còn giày dép ước đạt 16 tỷ USD (tăng khoảng 9,2%). Tuy vậy, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại, máy vi tính thường giảm vào tháng 12 do kỳ nghỉ kéo dài của các tập đoàn.
Xoay quanh đợt 3 cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trong thời điểm cuối năm, giới chuyên gia cho rằng đây là lúc cần tranh thủ nhanh "lợi thế kép" để tăng xuất khẩu cuối năm, vì Việt Nam là một trong những quốc gia có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này.
Như kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại miền Nam Trung Quốc, các công ty Mỹ và Trung Quốc tham gia khảo sát (từ ngày 21/9-10/10/2018) đều cho rằng xung đột thương mại đang làm họ mất thị phần, đặc biệt là vào tay các DN Việt Nam. Các công ty Trung Quốc cũng cho biết doanh thu của họ đang chuyển vào những DN từ Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ đạt 545 triệu USD. Vì thế, cơ hội để các DN Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế là không đáng kể.
Hơn thế nữa, vì những sản phẩm bị đánh thuế là hàng trung gian gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải… chứ không phải hàng tiêu dùng, nên nếu Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê, trong 10 tháng qua, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (ước đạt 39 tỷ USD, tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2017), tiếp đến là EU (34,9 tỷ USD, tăng 9,9%), Trung Quốc (32,1 tỷ USD, tăng 21,3%), ASEAN (20,6 tỷ USD, tăng 14,5%), Nhật Bản (15,3 tỷ USD, tăng 10,6%), Hàn Quốc (15 tỷ USD, tăng 23,5%).
Có thể nói, trước những tín hiệu lạc quan trên thị trường xuất khẩu, hai tháng còn lại của năm 2018 chính là cơ hội "vàng" để các DN Việt chớp nhanh nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, song song đó là những thách thức khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ diễn ra sớm hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế có thể gây xáo trộn thị trường tài chính. Đặc biệt là những rủi ro suy giảm tăng trưởng ở các bạn hàng lớn của Việt Nam.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý cần tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, hiệp hội và DN xuất khẩu có phản ứng kịp thời.