Nuôi trồng thủy, hải sản còn nhiều dư địa để phát triển


Với đường bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, Việt Nam không chi có tiềm năng đánh bắt hải sản mà còn có nhiều dư địa để phát triển nuôi trồng thủy, hải sản, đóng góp chủ lực cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, nghề nuôi biển đã có sự tăng trưởng bình quân 23% trong 5 năm trở lại đây nhưng vẫn chưa thoát khỏi quy mô nhỏ, lẻ tự phát, chủ yếu nuôi ven bờ, số lồng nuôi tập trung quá dày ở một nơi nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh.

"Trong chiến lược phát triển thủy sản bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã định hướng trong thời gian tới chuyển mạnh từ đánh bắt sang nuôi trồng", Thứ trưởng Tiến.

Ông cho biết thêm: Để vực dậy nghề nuôi biển trước tiên là phải có quy hoạch quốc gia về sử dụng không gian biển, tiếp đến là các địa phương phải có đề án quy hoạch nuôi biển.

Cùng với đó thì hạ tầng nghề cá cũng phải được đầu tư theo hướng công nghiệp. Ngoài cơ sở hạ tầng còn có nguồn vốn, ưu đãi về thuế. Khi có lồng bè phù hợp, hiện đại, không ô nhiễm môi trường, gắn với sơ chế và chế biến tốt, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Tiềm năng lớn, khai thác nhỏ

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km và khu đặc quyền kinh tế với diện tích hơn 1 triệu km vuông. Do đó, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, chiếm 4 - 5% GDP; 9 - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Tại Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẳng định: "Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững.

Mục tiêu đến năm 2030: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%⁄/năm, tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thuỷ sản 2,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD;  Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động...

Tầm nhìn đến năm 2045: Thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới…"

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), "Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh vai trò nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt là nghề nuôi biển.

"Dù tiềm năng lớn (vùng nuôi có thể phát triển khoảng 1 triệu cây số vuông) nhưng cho đến nay, diện tích nuôi biển trên cả nước chỉ khoảng 260.000 ha, với sản lượng trên 600.000 tấn, nghề nuôi biển chủ yếu tập trung ở vùng biển miền Trung, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một vài địa phương đang phát triển được nghề này như Kiên Giang, Cà Mau nhưng quy mô rất nhỏ. 1ha nuôi biển bằng 6ha nuôi trên bờ, nếu được phát huy đúng mức thì nghề nuôi biển có thể tạo ra kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhiều tỷ USD cho đất nước", TS Dũng nhận định.

Chính sách chưa đầy đủ

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch VSA, hiện nay tổng sản lượng thủy, hải sản khai thác, nuôi trồng cả năm chỉ khoảng hơn 8 triệu tấn. Nhưng với năng suất nuôi cá biển ở vùng nhiệt đới hiện tại là 9.900 -12.000 tấn/km2 chỉ cần phát triển được 1.000km2 nuôi cá biển thì chúng ta đã có khoảng 10 triệu tấn.

Tuy vậy, nhưng chính sách phát triển nghề nuôi biển hiện nay vẫn còn nhiều "cái không", đó là: chưa có quy hoạch sử dụng không gian biển của quốc gia và các địa phương; chưa giao khu vực biển lâu dài cho tổ chức, ngư dân nuôi biển; chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn trại nuôi, vật liệu an toàn; chưa có chính sách hỗ trợ, đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển…

Bên cạnh đó, các chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đào tạo nhân lực nuôi biển công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, logistics, giám sát, cảnh báo và quản lý môi trường biển cũng chưa được ban hành.

Bà Nguyễn Kim Bé, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng việc quy hoạch sử dụng không gian biển của quốc gia và các địa phương là khung pháp lý rất quan trọng trong phát triển kinh tế biển.

"Vì chưa có quy hoạch mà thời gian vừa qua, địa phương rất lúng túng trong cấp phép, giao khu vực biển cho nhà đầu tư phát triển  kinh tế, do đó mà mới đây địa phương vừa phải xử lý hàng loạt doanh nghiệp xây dựng lấn chiếm hành lang biển tại TP. Phú Quốc", bà Bé nhấn mạnh.

Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt hơn 1,4 triệu tấn, trong đó, nuôi gần bờ là chủ yếu; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD; tầm nhìn đến năm 2045 nghề nuôi biển trở thành ngành công nghiệp nuôi biển với phương thức quản lý hiện đại có mức đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4 tỷ USD trở lên.

Theo An Hòa/nhadautu.vn