Chỉ số sản xuất tăng, ngành công nghiệp tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

Theo Vũ Long/laodong.vn

Song hành cùng ngành nông nghiệp, sản xuất công nghiệp đang đóng vai trò "cột trụ", là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế 8 tháng năm 2022.

Ngành công nghiệp đã và đang có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Ảnh: Vũ Long
Ngành công nghiệp đã và đang có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Ảnh: Vũ Long

Vượt thử thách, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lạc quan

Theo Bộ Công Thương, chỉ số PMI Việt Nam (chỉ số nhà quản trị mua hàng) trong tháng 7/2022 vẫn đạt trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục tăng mạnh, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 7/2022 đã khuyến khích các nhà sản xuất tiếp tục tăng sản lượng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các hoạt động sản xuất trong tháng 8/2022.

Do vậy, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm 8 tháng năm 2022. 
Chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm 8 tháng năm 2022. 

Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2022 ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng khi tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,2%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tại 61 địa phương và chỉ giảm ở 2 địa phương (Trà Vinh giảm 26,6%; Hà Tĩnh giảm 15%).

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Trong đó, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2022 của Bắc Giang tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước; Cần Thơ tăng 28,4%; Khánh Hòa tăng 25,8%; Quảng Nam tăng 25,5%; Vĩnh Long tăng 25,1%; Bến Tre tăng 22,7%...

Đánh giá về vai trò của sản xuất công, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: Bên cạnh ngành nông nghiệp đang có cơ hội mở rộng chưa từng có với những chuỗi cung ứng nông sản ra thị trường quốc tế, trong đó có nhiều thị trường mới nhiều tiềm năng, ngành công nghiệp chế tạo vẫn là động lực mạnh và dài hạn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ông Lạng cho rằng, sản xuất công nghiệp vẫn đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng, trong đó các ngành chế biến chế tạo đóng vai trò “xương sống”, bổ sung thêm sức mạnh cùng với ngành nông nghiệp tạo đà phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP trong năm 2022.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cũng cho hay: Để đẩy mạnh vai trò của ngành công nghiệp, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chương trình khuyến công, sản xuất kinh doanh tiêu dùng bền vững, các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường… Qua đó góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của ngành công thương và TP. Hà Nội năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh về định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế…