Ô tô lắp ráp vẫn thống lĩnh thị trường

Theo Hồng Nhung/thoibaokinhdoanh.vn

Thị trường ô tô Việt Nam đang dần sôi động trở lại, nhưng số lượng xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn chưa thỏa nguồn cung của thị trường. Sức mua trong tháng 5 chủ yếu tập trung vào các mẫu xe lắp ráp trong nước.

 Vios vẫn là dòng xe tiêu thụ tốt nhất trên thị trường. Nguồn: Internet
Vios vẫn là dòng xe tiêu thụ tốt nhất trên thị trường. Nguồn: Internet

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sức mua ô tô toàn thị trường tháng 5/2018 đạt 23.065 chiếc, trong đó xe lắp ráp trong nước đạt 19.467 chiếc, tăng 9% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 3.598 chiếc, tăng 12%.

Tìm lại đà tăng trưởng

Tuy con số này vẫn thấp hơn so với lượng tiêu thụ ô tô cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu tính từ tháng 2/2018 – thời điểm thị trường bắt đầu bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116 đến nay, đây là tháng có doanh số bán xe cao nhất.

Mức tăng này có thể xem là một dấu hiệu khả quan, khích lệ các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô tại Việt Nam.

Mức tăng trưởng của thị trường ô tô tháng 5 được các DN lý giải do một số dòng xe nhập khẩu hưởng thuế 0% từ ASEAN đã bắt đầu được đưa về Việt Nam sau thời gian dài gián đoạn.

Cụ thể, sau lô xe của Honda, GM Việt Nam cũng hoàn tất thủ tục nhập khẩu thông quan mẫu Chevrolet Trailbalazer và Colorado để phân phối ra thị trường. Trong khi đó, các DN sản xuất ô tô trong nước lần lượt tung ra các phiên bản của những dòng xe hút khách như KIA Cerato, Ford EcoSport… với một mức giá hấp dẫn hơn, góp phần kích thích tâm lý mua sắm của người tiêu dùng.

Thái Lan vẫn là nước dẫn đầu trong số thị trường xuất xe vào Việt Nam với 7.212 xe, tổng trị giá khoảng 150 triệu USD trong 5 tháng qua. Lượng xe nhập từ Thái Lan vẫn đứng đầu bảng là do Chính phủ nước này đã chấp nhận điều chỉnh, bổ sung luật và cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô (VTA) cho các dòng xe xuất khẩu sang thị trường Việt Nam.

Ấn Độ – thị trường từng nằm trong tốp đầu xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, lại không có chiếc nào vào Việt Nam trong 5 tháng qua. Nguyên nhân được cho là do Tập đoàn Hyundai đã chính thức đóng dây chuyền sản xuất mẫu xe Hyundai i10 tại Ấn Độ. Đồng thời, mẫu xe bán chạy nhất này cũng được công ty cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam (HTC) đưa về lắp ráp tại Việt Nam thay vì nhập khẩu như năm 2016 trở về trước.

Tương tự Ấn Độ, số lượng xe nhập khẩu từ Indonesia, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu trong 5 tháng qua cũng rất ít. Nguyên nhân là các DN vẫn chưa xin được VTA do chính phủ các nước này từ chối cấp, buộc DN phải xin VTA của bên thứ ba được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thừa nhận hoặc bên thứ ba chứng nhận.

Theo VAMA, trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ hội trong 1 – 2 tháng tới

Trong 5 tháng đầu năm, tuy tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đã giảm 6% nhưng doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước vẫn tăng 10%, tương đương 87.426 chiếc. Sự giảm sút trên là do xe nhập khẩu giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 16.320 xe.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 5/2018, chỉ có khoảng 2.000 xe ô tô được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, chưa bằng lượng tiêu thụ của một số dòng xe lắp ráp trong nước như Toyota Vios hay Honda CRV. Trong đó, xe dưới 9 chỗ ngồi gần 1.500 chiếc và hơn 85% số này nhập khẩu từ Thái Lan với thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%.

Tính đến nay, ngoài Honda và GM Việt Nam, các DN khác như Toyota, Mitsubishi, Isuzu… vẫn chưa thể nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, Indonesia… về Việt Nam vì vướng Nghị định 116.

Điều này khiến các DN bán hàng vẫn đang trông chờ vào lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước để duy trì hoạt động kinh doanh.

Toyota Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2018, công ty này bán được 4.752 xe, nhưng hầu hết là xe lắp ráp trong nước. Những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc của hãng như Toyota Fortuner, Yaris, Hilux… rơi vào "điểm chết doanh số" vì các đại lý đã hết hàng, trong khi hàng mới vẫn chưa về.

Trong khi đó, tổng doanh số bán ô tô nhập khẩu của Mitsubishi như Pajero Sport, Triton, Mirage… cộng lại trong tháng qua còn chưa bằng lượng tiêu thụ của riêng mẫu Mitsubishi Outlander (209 xe) đang được hãng xe Nhật Bản lắp ráp tại nhà máy ở tỉnh Bình Dương.

Như vậy, với số liệu này cho thấy lượng xe nhập khẩu đã tăng nhưng xe lắp ráp vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán sự áp đảo của xe lắp ráp trong nước đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ còn tiếp diễn trong 1 – 2 tháng tới. Thị trường ô tô đã bị kìm nén trong một thời gian dài nên sắp tới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhiều mẫu xe từ Thái Lan, Indonesia… bắt đầu tràn vào Việt Nam.