Ổn định kinh tế vĩ mô dưới nhiều góc nhìn
(Tài chính) Trước hết là dưới góc nhìn của quan hệ sản xuất và sử dụng (tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng) GDP- quan hệ cân đối tổng quát, chủ yếu nhất, chi phối nhiều mối quan hệ cân đối kinh tế khác.
Theo hướng này, nếu tính theo giá so sánh, tốc độ tăng của GDP sử dụng (gồm tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng) so với của GDP sản xuất đã chuyển trạng thái từ cao hơn trong thời kỳ 2006- 2011 (tăng 7,19%/năm so với tăng 6,3%/năm), sang thấp hơn trong thời kỳ 2011- 2014 (tăng 5,1%/năm so với tăng 5,49%/năm). Nếu tính theo giá thực tế, GDP sử dụng/GDP sản xuất đã chuyển trạng thái từ lớn hơn sang thấp hơn (năm 2010 là 108,2%, năm 2014 còn khoảng 97,8%). Theo đó, tính theo cách nào thì kinh tế vĩ mô cũng ở trạng thái đan xen, một mặt có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng gây ra những hiệu ứng phụ, mà lớn nhất là nhập siêu, công nợ, lạm phát cao, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp.
Dưới góc nhìn từ cân đối vốn đầu tư/GDP cho thấy, kinh tế vĩ mô đang ở trạng thái đặc biệt. Bởi nếu tính theo giá thực tế, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng thấp hơn GDP, nên tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt thấp hơn năm trước (30,1% so với 30,4%) và thấp nhất từ nhiều năm qua. Với tỷ lệ 30,1% GDP và tốc độ tăng GDP đạt 5,8% thì ICOR sẽ ở mức gần 5,2 lần cho thấy, hiệu quả đầu tư đã có sự cải thiện. Do sử dụng GDP nhỏ hơn sản xuất GDP, nên đã chuyển từ chỗ để dành thấp xa so với đầu tư sang để dành lớn hơn đầu tư (từ 11% GDP sang 0,3%/GDP), đây là một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Kinh tế vĩ mô tích cực hơn cả khi nhìn từ cân đối về cán cân thương mại. Cụ thể, Việt Nam đã chuyển từ tình trạng nhập siêu lớn sang xuất siêu (bình quân thời kỳ 2006- 2011 nhập siêu 12099 triệu USD/năm, thời kỳ 2012- 2014 xuất siêu gần 720 triệu USD/năm). Do cán cân thương mại thặng dư, cộng với các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam (như FDI đạt 12,5 tỷ USD, ODA đạt 5,5 tỷ USD, kiều hối đạt 12 tỷ USD, chi tiêu của khách quốc tế đạt 7,9 tỷ USD...) đạt kỷ lục mới, tạo nên kết quả nổi bật trong năm 2014.
Nội dung khác của kinh tế vĩ mô là tiền tệ- tín dụng thời gian qua cũng đạt được một số kết quả nhất định. Rõ nhất là, lạm phát năm 2014 (năm thứ 3 liên tiếp) chậm lại và ở mức thấp nhất trong 13 năm qua. Tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định; mặt bằng lãi suất giảm; hệ số giữa tốc độ tăng tín dụng/tốc độ tăng GDP tiếp tục ở mức thấp (2,1 lần, thấp hơn mức 2,3 lần của năm 2013 và tương đương với mức 2,1 lần bình quân 2011- 2013).
Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng nhìn tổng quát, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc, khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp; tăng trưởng tín dụng eo hẹp; bội chi ngân sách còn lớn về quy mô tuyệt đối và về tỷ lệ so với GDP; nợ công/GDP tăng nhanh (từ 51,7% năm 2010 lên 54,2% năm 2013 và lên 60,3% năm 2014). Nợ Chính phủ/GDP cũng tăng nhanh (từ 42,3% năm 2013 lên 46,9% năm 2014); nợ xấu còn cao và xử lý chậm… Vì thế, các giải pháp điều hành quản lý kinh tế vĩ mô càn phải tuân thủ quy luật khách quan trong nền kinh tế thị trường. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển lành mạnh và đóng góp ngày càng ổn định cho ngân sách Nhà nước.