Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ khôi phục lòng tin cho doanh nghiệp
(Tài chính) Chính phủ đã khẳng định đường lối điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm cũng như cả năm sau là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế... Đây là một lập trường kiên định và là kim chỉ nam cho các động thái điều hành nền kinh tế từ nay đến hết năm 2014. Sự kiên định này là tiền đề để khôi phục và duy trì lòng tin của giới doanh nghiệp - một lực lượng nòng cốt trong quá trình tạo ra tăng trưởng cho đất nước.
Nền kinh tế nước ta đã qua những năm đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, khi GDP tăng liên tục từ 7 - 9%. Nhưng cũng có giai đoạn do hân hoan với thành công, chúng ta đã quên không chỉnh đốn đội hình khi nền kinh tế bước sang một giai đoạn mới; bỏ qua việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng sao cho phù hợp với các điều kiện mới của môi trường trong nước và quốc tế; chưa lường trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm kinh tế…
Đối với lực lượng doanh nhân, trong thời kỳ phát động đổi mới, khi còn đang giao thoa giữa tư tưởng cũ và tư tưởng mới, chính niềm tin đã thôi thúc họ tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế. Và hôm nay, niềm tin này một lần nữa đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt những giai đoạn thăng trầm của khủng hoảng kinh tế châu Á, khủng hoảng kinh tế thế giới và đương đầu thách thức cạnh tranh khi đất nước tiếp tục hội nhập quốc tế. Những mảng tối của kinh tế liên tục lộ ra khi nước ta hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, đặc biệt khi kinh tế thế giới lại một lần nữa đối diện khủng hoảng, khiến con thuyền kinh tế Việt Nam càng trở nên mong manh trước sóng gió của kinh tế thị trường. Tốc độ tăng trưởng GDP bắt đầu chậm lại, hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhiều bất cập bộc lộ…
Đứng trước những lựa chọn này, Quốc hội và Chính phủ đã chọn phương hướng: ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững và hoàn thiện kinh tế thị trường. Những kết quả ổn định kinh tế vĩ mô mấy năm gần đây đã cho thấy sự kiên định đó. Và đây chính là cơ sở của lòng tin. Nếu không lấy lại được lòng tin của xã hội, của doanh nghiệp thì nền kinh tế sẽ không thể tạo được tăng trưởng, đừng nói đến nhanh hay chậm. Tạo được lòng tin đã khó, nhưng duy trì nó còn khó hơn. Vì thế, các cơ quan chức năng phải nhất quán giữa tuyên bố và hành động, kiên định lập trườâng và thống nhất về tư tưởng.
Tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Chính phủ một lần nữa khẳng định tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế... Kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô sẽ giúp duy trì lòng tin đối với xã hội, với doanh nghiệp. Nhưng khi số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản và tạm ngừng hoạt động còn cao, thậm chí một số đơn vị quy mô trung bình, lớn đã phải rời cuộc chơi, thì liệu có nên cân nhắc điều chỉnh liều lượng chính sách để phù hợp với đòi hỏi của thực tế?