OPEC “không sợ” dầu đá phiến

Theo Thoibaonganhang.vn

Theo nhà phân tích Jason Schenker thuộc Prestige Economics, mối quan ngại trước mắt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là nhu cầu dầu mỏ thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn ảm đạm.

OPEC “không sợ” dầu đá phiến
Hiện giá dầu trên thế giới phụ thuộc nhiều vào khả năng cung ứng của OPEC. Nguồn: Internet

Lo ngại vẫn ở thì tương lai

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tuần trước nói rằng, dầu đá phiến gây ra một “cú sốc về nguồn cung”, qua đó tạo ra một nguồn cung năng lượng hoàn toàn mới có thể định hình lại ngành dầu mỏ. IEA năm ngoái đã đưa ra nhận định rằng: Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm 2017 với cuộc cách mạng dầu đá phiến.

Thế giới từ nay sẽ chẳng phải "mất ăn mất ngủ" trước các quyết định điều chỉnh sản lượng của OPEC, bởi theo IEA, dầu đá phiến của Mỹ cũng sẽ đáp ứng hầu hết nhu cầu dầu mỏ mới của thế giới trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, Tổng thư ký OPEC Abdullah El-Badri, tại cuộc họp mới đây ở Thủ đô Viên (Áo) nhấn mạnh, ông không cho rằng cuộc cách mạng dầu và khí đốt đá phiến ở Mỹ là mối đe dọa lớn đối với OPEC, bởi theo ông, “Mỹ là một người mới” và dầu đá phiến sẽ chỉ đóng góp thêm vào nguồn cung dầu hiện nay. Hơn nữa, chi phí khai thác loại dầu này hiện vẫn tương đối cao, thêm vào đó công nghệ khai thác "hydraulic fracturing" - bơm hàng triệu tấn hỗn hợp nước sạch, cát và hóa chất vào lòng đất với áp suất lớn để tạo các vết nứt trong đá nhằm khai thác khí tự nhiên - cũng gây ra những tác động không nhỏ tới môi trường.

Không ít nhà phân tích đồng tình rằng tầm ảnh hưởng cũng như xuất khẩu dầu mỏ của OPEC sẽ bị ảnh hưởng vì “người mới” này. Ngoài Mỹ, mối đe dọa từ các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác như Nga và Na Uy cũng có thể làm cho ảnh hưởng của OPEC lên giá dầu giảm đáng kể. Mặc dù cho đến nay mới có một số nước sản xuất dầu ở Tây Phi chuyên sản xuất dầu ngọt nhẹ bị ảnh hưởng (bởi phần lớn dầu đá phiến thuộc loại dầu ngọt nhẹ), nhưng theo các nhà phân tích, cuộc cách mạng đá phiến sẽ đẩy giá dầu trên thị trường đi xuống trong 5-6 năm tới.

Đấy là chuyện của nhiều năm nữa, còn theo nhà phân tích Jason Schenker thuộc Prestige Economics, mối quan ngại trước mắt của OPEC là nhu cầu dầu mỏ thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn ảm đạm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 8% xuống 7,75%, đồng thời nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ỳ ạch.

Cán cân cung - cầu có thực sự cân bằng?

Một trong những lý do khiến OPEC không muốn tăng sản lượng vào thời điểm này là giá dầu thô Brent hiện quanh mức “ưa thích” 100 USD/thùng, tuy vẫn ở mức cao trong lịch sử song vẫn dưới mức giá “đáng báo động” 125 USD/thùng. Bộ trưởng năng lượng Venezuela, Rafael Ramirez nói: "Chúng ta phải bảo vệ mức giá này".

Trong tuyên bố sau cuộc họp vừa qua, OPEC nhấn mạnh: mức giá dầu tương đối ổn định từ đầu năm 2013 đến nay là một dấu hiệu cho thấy cán cân cung - cầu cân bằng. Mặc dù đôi khi có sự biến động theo từng giai đoạn trước những căng thẳng địa chính trị xảy ra đâu đó, nhưng giá dầu vẫn ở mức hợp lý. OPEC dẫn dự báo cho hay nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng từ 88,9 triệu thùng/ngày lên 89,7 triệu thùng/ngày trong năm 2013 và kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2% năm 2013, mạnh hơn so với mức tăng 3% năm 2012.

Tuy nhiên, mức dự báo tưởng như khả quan này lại đi kèm với những cảnh báo về những nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu, nhất là trong khu vực các nước OECD, vẫn chưa kiểm soát được. Trong khi đó, theo số liệu của chính OPEC, sản lượng “thực” của tổ chức này trong tháng 4/2013 vượt hạn ngạch và đứng ở mức 30,46 triệu thùng/ngày, tương đương với nhu cầu dầu thô trung bình mà OPEC dự đoán cho quý II/2013.

Tuy nhiên, theo ước tính của IEA, sản lượng thực của OPEC lên tới 30,7 triệu thùng/ngày, một phần do hoạt động khai thác mạnh mẽ ở Arập Xêút. Trong khi đó, theo một báo cáo của OPEC, mức tăng nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2013 vẫn tương đương mức 0,8 triệu thùng/ngày của năm 2012.

Ngân hàng JPMorgan mới đây hạ dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong quý III/2013 từ 120 xuống 113 USD/thùng và triển vọng trong quý IV/2014 và cả năm 2014 lần lượt từ 120 và 122,5 xuống 117 và 117,5 USD/thùng. Nhà phân tích Thina Saltvedt thuộc ngân hàng Nordea Bank AB có trụ sở tại Oslo (thủ đô Na Uy) nói rằng những dấu hiệu tăng trưởng yếu đi từ Trung Quốc có thể cho thấy thị trường dư cung.

 Đối sách của các nước OPEC

Tại cuộc họp vừa qua, 12 nước thành viên OPEC tỏ ra khá quan ngại về tác động của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đối với nhu cầu dầu mỏ. Chính vì vậy, OPEC hiểu rằng giảm sản lượng có thể làm tăng giá dầu cũng như thu nhập của họ nhưng đồng thời cũng có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế còn mong manh trên toàn cầu.

Xuất khẩu dầu mỏ của các thành viên OPEC như Angola, Nigeria và Venezuela hiện ít nhiều đã cảm nhận được tác động từ nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ, bởi đây là những nước xuất khẩu dầu mỏ sang Mỹ.

Trong thời gian tới cả ba nước này có lẽ sẽ chưa có sự điều chỉnh sản lượng nào vì lý do trên, song họ sẽ chọn cách quay sang các thị trường châu Á đang tăng trưởng nhanh, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Bộ trưởng dầu mỏ Nigeria, Diezani Alison-Madueke cho hay, nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ vẫn tăng lên trong thời gian tới, tuy vẫn cần phải cảnh giác với khả năng rằng ngay cả Trung Quốc cũng sẽ sớm thăm dò và phát hiện ra dầu và khí đốt đá phiến.

Các nước thành viên OPEC khẳng định sẽ tiếp tục theo sát hơn bao giờ hết những nhân tố tác động đến thị trường dầu mỏ như tình hình tăng trưởng kinh tế ở Liên minh châu Âu hay cuộc cách mạng dầu và khí đá phiến ở Mỹ. Họ cũng sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống đón nhận thêm những nhân tố khác nữa có thể tác động đến giá dầu tại cuộc họp tiếp theo các bộ trưởng dầu mỏ OPEC, dự kiến diễn ra vào ngày 4/12 tới ở Viên.

Nỗi lo ngại kinh tế toàn cầu và nhất là khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng trưởng yếu kém là lý do khiến OPEC - tổ chức hiện chi phối khoảng 35% nguồn cung dầu thô trên toàn cầu - quyết định giữ nguyên hạn ngạch khai thác dầu thô ở mức 30 triệu thùng/ngày trong cuộc họp vừa qua. Những đồn đoán về khả năng cung sẽ vượt cầu sau quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC cùng với tín hiệu không mấy khả quan từ kinh tế Trung Quốc (Trung Quốc này và Mỹ là hai nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới hiện nay) đã đẩy giá dầu thô Brent đầu tuần này xuống dưới 100 USD/thùng.