Phá giá đồng Nhân dân tệ: Chứng khoán Việt lo sợ lịch sử lặp lại?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Tháng 8/2015, chỉ số Vn-Index rơi mạnh cuốn bay mọi thành quả của 6 tháng đầu năm sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT và NHNN quyết định nâng tỷ giá. Tháng 8/2019, một lần nữa đồng NDT bị thả trôi khiến nhiều người lo ngại lịch sử sẽ lặp lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 5/8 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) đã hạ tỷ giá tham chiếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, khiến tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường cả trong và ngoài Trung Quốc giảm quá mốc 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Quá khứ đau thương

Động thái này đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán thế giới cũng như khu vực. Cụ thể, chứng khoán Nhật lao dốc 1,74%, chứng khoán Trung Quốc giảm 1,62%, chứng khoán Hồng Kông giảm 2,84%, Đài Loan giảm 1,19%, Hàn Quốc giảm 2,56%.

Tương tự, các thị trường châu Âu cũng đồng loạt giảm suýt soát 2%, thị trường Mỹ cũng giảm tương đương, giá đồng loạt giảm 1,5%.

Chỉ số Vn-Index của Việt Nam cũng chịu áp lực bán mạnh trong phiên 5/8 và 6/8, tổng mức giảm là 2,7% và lần lượt đánh mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Hầu hết nhóm cổ phiếu nâng đỡ thị trường đều giảm khá sâu, đặc biệt là nhóm 5 mã vốn hóa lớn nhất bao gồm VIC, VHM, VCB, VNM, GAS.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc công ty Biên An Toàn, việc đồng Nhân dân tệ bất ngờ phá vỡ ngưỡng “lằn ranh đỏ” đã gây ra một cú sốc cho giới tài chính toàn cầu. Bởi từ lâu, “lằn ranh đỏ” được cho là một ngưỡng nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc khiến lạm phát gia tăng và dòng vốn dịch chuyển sẽ diễn ra đồng thời.

Thực tế, đây là cú giảm mạnh nhất của NDT kể từ khi PBoC bất ngờ phá giá đồng tiền vào mùa hè năm 2015, làm dấy lên những ký ức về đợt thoái vốn ồ ạt năm đó – khi Trung Quốc phải rút hơn 500 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ sau hành động bị đánh giá là sai lầm.

Tại thời điểm đó, Vn- Index rơi vào những ngày tháng buồn bã khi mọi thành quả “chắt chiu tích lũy” của 6 tháng đầu năm đã bị “cuốn trôi” chỉ trong 3 tuần giao dịch của tháng 8. Toàn bộ các mã cổ phiếu tài chính ngân hàng chìm trong sắc đỏ.

Có thể kể đến CTG của VietinBank lao dốc từ mức giá 22.500 đồng/ cp (31/7/2018) về mức giá 17.500 đồng/cp (phiên 24/8/2015), tương đương mức giảm hơn 22% chỉ trong 16 phiên giao dịch.

Không chỉ CTG và ngay cả VCB (Vietcombank), BID (BIDV)… cũng ghi nhận mức giảm trên 20% tại thời điểm đó. Rõ ràng, khi những thông tin tiêu cực đến từ chính sách tiền tệ thì nhóm cổ phiếu liên quan đến tiền tệ và xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Kết thúc tháng 8/2015, Vn-Index đóng cửa tại mức 564,8 điểm, giảm 9,06% so với thời điểm cuối tháng 7, tương ứng mất 56,3 điểm; HNX Index cũng giảm 8,23 điểm, tương đương 9,67%.

Giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi” gần 97.500 tỷ đồng và có tới 446 mã cổ phiếu giảm trong vòng 1 tháng.

Nhìn vào thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tháng 8 với những phiên giảm điểm mạnh cùng với đó là động thái bán ròng của khối ngoại và bộ phận tự doanh do tác động thị trường toàn cầu.

  Chứng khoán Việt lao đao khi NDT phá giá năm 2015
  Chứng khoán Việt lao đao khi NDT phá giá năm 2015
 

Diễn biến xấu có thể xảy ra

Việc đàm phán thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu tìm được tiếng nói chung và động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc càng khiến tình hình trở nên đáng ngại. Lo lắng về bức tranh trong quá khứ có thể diễn ra của các nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở.

Vẫn theo ông Huỳnh Minh Tuấn, tác động của việc phá vỡ “lằn ranh đỏ” là điều không phải bàn cãi khi các thị trường đều phản ứng tiêu cực và Việt Nam là một nước có quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu với Trung Quốc rất lớn cũng sẽ không ngoại lệ.

Hiện, chỉ số Vn-Index đang gặp khó với ngưỡng cản tâm lý quanh khu vực 1.000 điểm. Ở mức này, chỉ số P/E của thị trường không còn rẻ (17 lần) khiến khối ngoại và tự doanh quay đầu bán ròng.

Với những gì đang diễn ra hiện nay, về dài hạn thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn mong manh với những vấn đề liên quan đến cuộc chiến Mỹ – Trung Quốc và sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam là sẽ được hưởng lợi từ việc dịch chuyển dòng vốn FDI do chiến tranh thương mại sẽ làm đầy kho dự trữ ngoại tệ và phòng chống biến động tỷ giá.

Một chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng dù có mối tương quan thương mại với Trung Quốc nhưng tác động của sự kiện đồng NDT tới Việt Nam là không đáng kể. Bởi đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD.

Những thuận lợi là vẫn có nhưng rủi ro về dòng vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam lại luôn hiện hữu do tính bất ổn định vĩ mô khiến các dòng vốn “nóng” vào nhanh ra nhanh. Việc đảo chiều gây tác động xấu tới thị trường chứng khoán thông qua các mã cổ phiếu trụ như nhóm VN30.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp cho thị trường chứng khoán hiện nay cũng đang suy yếu, bị phân bổ ra các kênh đầu tư khác, đặc biệt là “cơn sốt” vàng trong thời gian qua. Các quỹ đầu tư lớn trên thị trường cũng khó khăn trong việc huy động vốn do hiệu quả thấp và khó giải ngân trong đầu tư do lượng cổ phiếu tiềm năng ít.

Dù vậy, trong khó khăn vẫn luôn có cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt là trong những giai đoạn điều chỉnh như hiện nay.