Phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, việc phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế, do Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu và ít nhất phải nhập siêu trong 5 năm tới. Tỷ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỷ giá chỉ nên biến động trong khoảng 1-2%. “Tỷ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 2%”, Thống đốc khẳng định.

Phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế
Xuất khẩu cá tra đang gặp khó vì vướng các rào cản thương mại

“Cá tra”… đòi tăng tỷ giá

An Giang địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của đất nước. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá lúa gạo xuất khẩu liên tục tụt giảm trong khi xuất khẩu cá tra cũng gặp khó do vướng rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu.

Theo báo cáo của NHNN An Giang, trong hơn 3 tháng qua, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã xuất được 73 ngàn tấn gạo, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên giá trị xuất khẩu chỉ đạt 32 triệu USD, bằng 77% so với cùng kỳ. Thủy sản xuất khẩu cũng tăng đến 16%, đạt 37,4 ngàn tấn, so giá trị thu về mới được 88 triệu USD, bằng 94% giá trị kim ngạch cùng thời điểm năm trước.

Bởi vậy, tại buổi làm việc của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về triển khai các giải pháp tiền tệ - ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh tại An Giang, nhiều DN xuất khẩu thủy sản đề nghị NHNN tăng tỷ giá để bù lại giá trị hàng hóa bán ra quốc tế bị giảm giá trị.

Theo ông Doãn Tới - Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Nam Việt, Việt Nam là nền kinh tế nông nghiệp, bởi vậy chính sách tỷ giá phải có lợi cho xuất khẩu để phát triển nông nghiệp. Tăng tỷ giá vào khoảng 3-5% sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN xuất khẩu nông - thủy sản hiện đang khó khăn.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Thuận An (Thuận An) cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào trong ngành cá tra thời gian qua tăng 20%, trong khi tỷ giá ổn định không có lợi cho xuất khẩu sản phẩm thủy sản.

Trong khi đó, một số DN lại đề nghị được tiếp tục vay ngoại tệ và giảm tiếp lãi vay tiền đồng cũng như kéo dài thời hạn cho vay cho phù hợp với quy trình nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu.

“Ngân hàng nên tăng thời hạn vay vốn lưu động lên 6 tháng, do quy trình nuôi và chế biến cá tra khép kín của DN hiện nay vốn vay 3-4 tháng không đáp ứng được cho các nhà máy hoạt động. Trường hợp dự án tốt ngân hàng nên cho vay vốn trung dài hạn”, bà Trần Thị Vân Loan - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long đề nghị.

“Lúa gạo” muốn thêm thời gian

Theo đại diện Sở Công Thương An Giang, tính đến hết quý I, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng khoảng 1,9%. Đây là nỗ lực lớn của hệ thống ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng hàng hóa tồn kho quá lớn nên DN chưa hết khó.

Đề nghị ngành Ngân hàng kéo dài thời gian cho vay tạm trữ lúa gạo và có những biện pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện nay, nhất là trong thời điểm những tháng đầu năm 2013 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm giá mạnh so với năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, khó khăn của các DN xuất khẩu gạo hiện nay không chỉ là giá sụt giảm, mà còn do tồn kho lúa gạo rất lớn, trong khi thu hoạch lúa hè thu sắp tới gần.

Bởi vậy, đề nghị ngân hàng kéo dài thời gian hỗ trợ vốn thu mua tạm trữ lúa hè thu đang tới gần. Đồng thời cũng nên có chính sách đối với các DN mua lúa trực tiếp của nông dân để tiếp tục nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, như giảm lãi vay thương mại đối với tiền đồng về mức 10%/năm...

Chia sẻ với những khó khăn của DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, tín dụng đối với tam nông luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Bằng chứng là, chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay dư nợ tín dụng đối với khu vực này trong cả nước đã tăng gấp đôi so với trước khi có quy định.

Đặc biệt, NHNN luôn khuyến khích các ngân hàng cho vay tam nông theo chuỗi liên kết giá trị để tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như giảm thiểu rủi ro.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế, do Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu và ít nhất phải nhập siêu trong 5 năm tới. Tỷ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỷ giá chỉ nên biến động trong khoảng 1-2%. “Tỷ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 2%”, Thống đốc khẳng định.

Thống đốc cũng thông tin thêm, mặc dù chủ trương sẽ hạn chế cho vay ngoại tệ, chuyển dần sang quan hệ mua bán để giảm tình trạng đôla hóa, tuy nhiên các DN có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hiện vẫn được vay ngoại tệ để tiết giảm chi phí (so với tiền đồng). Để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu thời gian tới các ngân hàng sẽ đưa lãi suất cho vay USD về mức 4-5%/năm.

Theo Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh, đến nay tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng này tại An Giang là 4.500 tỷ đồng. Hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 11%/năm. Tổng giám đốc Agribank Trịnh Ngọc Khánh cũng cho biết, trong tổng dư nợ 8.500 tỷ đồng tại An Giang của ngân hàng này chủ yếu là cho vay lúa gạo và cá tra.

Mặc dù huy động vốn tại chỗ không đủ bù đắp cho vay, nên Agribank đã phải điều hòa vốn từ địa phương khác về An Giang phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngân hàng này đang nghiên cứu vốn trung hạn để điều hòa vốn về cho vay lưu vụ (nối tiếp) để đáp ứng nhu cầu đầu tư của DN.