Hạn chế tổn thất, khôi phục niềm tin
Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tuy đã được “kích hoạt” từ cuối năm 2011 song đến nay kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Đích đến của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (giai đoạn 2011 – 2015) chỉ còn hơn 1 năm song chẳng thể biết trước là từ nay tới đó, liệu có nhà băng nào lại bị buộc phải sáp nhập? Báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết cho thấy, tổng nợ xấu của 8 ngân hàng thương mại cổ phần (Vietinbank, Vietcombank, ACB, MB, Sacombank, Eximbank, BIDV và SHB) tính đến hết quý II/2014 đã tăng gần 13.400 tỷ đồng. Con số này còn lớn hơn rất nhiều nếu cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/ QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tính có thể chiếm tới 9,71% tổng dư nợ. Chưa kể, trong 7 tháng đầu năm 2014, đã có trên 37.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động, càng làm cho các nhà băng lâm vào tình cảnh khó khăn hơn.
“NHNN đã có kế hoạch rất cụ thể về các nhóm nhiệm vụ cơ cấu lại đối với mỗi loại hình TCTD, trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước”, nhấn mạnh điều này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Mục tiêu tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong ngắn hạn và trung hạn là duy trì sự ổn định của hệ thống, đảm bảo khả năng thanh khoản và sự hoạt động liên tục của các ngân hàng; Giải quyết vấn đề của từng ngân hàng, ngăn chặn sự lây lan, gây hiệu ứng rút tiền hàng loạt trong toàn hệ thống và khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Trong dài hạn, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hướng đến các thay đổi căn bản trong từng ngân hàng và cả hệ thống để có khuôn khổ quản trị mới, cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng tính cạnh tranh và khả năng chống đỡ rủi ro, tăng cường cơ sở hạ tầng hệ thống và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của các tổ chức kinh tế và công chúng.
“Bóng” đang ở sân ai?
“Nếu tổn thất quá lớn, vượt quá khả năng kiểm soát và bù đắp của ngân hàng thì nhà băng có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, đổ vỡ”, nhấn mạnh điều này, TS. Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trường hợp các ngân hàng có mức nợ xấu quá cao, dẫn tới tình trạng yếu kém, không thể tồn tại được, các quốc gia thường đánh giá, phân loại và có phương án đóng cửa để xử lý dứt điểm nhằm bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa tổn thất xã hội.
Tuy nhiên, để làm được điều này, Chính phủ cần đưa ra nhóm biện pháp đồng bộ, triển khai kết hợp các giải pháp cơ cấu cả tài sản nợ với bên tài sản có (xử lý nợ xấu). Cụ thể, khi tỷ lệ nợ xấu cao, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản. Để giúp ngân hàng duy trì hoạt động và tránh xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt trên toàn hệ thống, Chính phủ thông qua Ngân hàng Trung ương thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng với vai trò là người cho vay cuối cùng. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ người vay vốn từ Ngân hàng Trung ương với lãi suất và kỳ hạn ưu đãi để thanh toán lãi cho các khoản vay tại ngân hàng… Đặc biệt, hỗ trợ sáp nhập các ngân hàng, bao gồm sáp nhập ngân hàng trong nước với nhau, sáp nhập ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài, thay đổi cơ cấu sở hữu hoặc đóng cửa ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, thông thường, đóng cửa, chi trả chủ yếu áp dụng đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ. Tiếp nhận xử lý được áp dụng đối với ngân hàng có quy mô lớn hơn. Tổ chức được chỉ định sẽ đánh giá tài sản của ngân hàng phải đóng cửa, phân loại tài sản thành hai nhóm: Tài sản xấu và tài sản tốt. Toàn bộ số tài sản xấu sẽ được chuyển sang Công ty quản lý tài sản (AMC) để tiến hành xử lý vì thời gian xử lý tài sản xấu thường diễn ra khá lâu. Số tài sản tốt sẽ được chuyển sang ngân hàng bắc cầu để tiếp nhận và bán lại cho những nhà đầu tư tiềm năng. Do đó, Chính phủ cũng nên xác định mức độ ảnh hưởng của các ngân hàng có mức nợ xấu, tình trạng yếu kém quá mức tới hệ thống ngân hàng và dựa trên nguyên tắc chi phí tối thiểu để quyết định: (i) Hỗ trợ phục hồi, hoặc (ii) đóng cửa và chi trả, hay (iii) chỉ định một tổ chức (thường là bảo hiểm tiền gửi) thực hiện tiếp nhận xử lý các ngân hàng yếu kém. “Đóng cửa các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán là cần thiết để hạn chế những khoản lỗ lũy kế, đồng thời đưa ra tín hiệu đối với thị trường về sự thay đổi về quan điểm đối với vấn đề gia hạn nợ”, TS. Nguyễn Đức Thành nêu quan điểm.
Luật Phá sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, đã dành hẳn một chương quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng (TCTD) với 2 điểm mới đáng lưu ý:
Thứ nhất, các chủ nợ như người lao động, công đoàn; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông; thành viên hợp tác xã đều có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán; hoặc trong trường hợp TCTD không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì NHNN nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD đó.
Thứ hai, Tòa án nhân dân sẽ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của NHNN mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán.
Những quy định trên một mặt thể hiện thông điệp “đèn xanh đã bật” và sẽ không có ngoại lệ cho bất cứ ngành nghề nào, kể cả ngân hàng, nếu kinh doanh không hiệu quả, yếu kém thì sẽ phải phá sản. Mặt khác, cũng xác lập vai trò quan trọng của NHNN đối với trường hợp phá sản một TCTD. Nghĩa là, “bóng” vẫn lăn trên sân các nhà quản lý. NHNN vẫn hoàn toàn nắm quyền chủ động trong việc cho phép, hoặc không cho phép một TCTD đi tới phá sản.
Trên thế giới, chỉ 1% nợ xấu là ngân hàng thương mại đã bị đưa vào diện bị kiểm tra đặc biệt, 3% là có thể bị xử lý, giải thể nhưng ở Việt Nam nợ xấu của một số tổ chức tín dụng lên tới 5 - 7% vẫn chưa bị xử lý triệt để, quyết liệt.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9-2014
Phá sản ngân hàng: Đèn xanh đã bật…
(Tài chính) “Thời gian tới, dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải được kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”, hiệu lệnh này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014, khi bàn về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Xem thêm