Phải hết sức nỗ lực mới đạt mục tiêu tăng trưởng

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội giải pháp tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội.

Phải hết sức nỗ lực mới đạt mục tiêu tăng trưởng
Mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% trong năm nay là hết sức khó khăn. Nguồn: Internet

Đánh giá cẩn trọng những chỉ tiêu chưa đạt

Những điểm sáng trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2012 được các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), trong khó khăn chúng ta vẫn kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là một thành công trong điều hành của Chính phủ năm 2012.

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt Kế hoạch cao hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (10/15), cán cân thương mại đã cải thiện rõ rệt, xuất siêu 780 triệu USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư gần 9 tỷ USD đã góp phần tăng dự trữ ngoại hối; thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81% thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011 và 11,75% năm 2010. Các lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước đã được điều chỉnh giảm dần. Tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao hơn so với Kế hoạch. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng kinh phí bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội đạt 35,8% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2011...

Đại biểu cho rằng, chúng ta đã thực hiện đúng định hướng, chúng ta đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng, kiến tạo nền kinh tế. Tất cả các chỉ tiêu: Tăng trưởng, lãi suất, tỷ giá, điều chỉnh thuế và các thị trường (ngoại hối, vốn, chứng khoán, bất động sản) đã khai thông tính sáng tạo, tự chủ và theo quy luật kinh tế.

Đặc biệt, trong khó khăn, vẫn điều chỉnh giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện cho DN phát triển, là yếu tố tạo sự phát triển bền vững, lâu dài cho nền kinh tế. Đây chính là biểu hiện chúng ta đã đi đúng hướng, hướng tới hội nhập bền vững.

Nhận xét về những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2102, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã thực hiện khá tốt những chỉ tiêu như: Lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô. Một số vấn đề dư luận quan tâm như thủy điện Sông Tranh đã được các cơ quan hành pháp và Chính phủ vào cuộc nhanh.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về xã hội vẫn còn những tồn tại. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết, lĩnh vực an sinh xã hội nổi lên nhiều vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến lĩnh vực giáo dục phổ thông và mầm non, chương trình giảng dạy tại sách giáo khoa, vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục....

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) cũng thẳng thắn cho rằng, 3 mục tiêu không đạt và chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo cần phải được phân tích, đánh giá cẩn trọng chứ không nên chỉ nhìn vào những chỉ tiêu đã đạt được rồi. Điều này sẽ giúp giải quyết những nút thắt của nền kinh tế như: nợ xấu, lãi suất, đầu tư công.

Chính sách phải đúng, trúng và nhanh

Tuy nhiên, nhìn về kinh tế 2013, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo một số đại biểu, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% trong năm nay là hết sức khó khăn. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 5,5% cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách và từ điều hành của Chính phủ đến các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực mới có thể đạt được. Ông Kiêm cũng cho rằng, chính sách phải đi đúng, trúng và nhanh thì mới đạt hiệu quả.

Đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, chúng ta có mâu thuẫn giữa tăng trưởng và lạm phát. Chúng ta đã phải hy sinh tăng trưởng để giữ lạm phát. Nhưng giảm được lạm phát mà đình đốn sản xuất thì phải suy nghĩ. Các chỉ tiêu chính: Tăng trưởng công nghiệp thấp, tăng trưởng sản xuất nông lâm thủy sản thấp; xuất khẩu cũng thấp so mấy năm gần đây; vốn đầu tư toàn xã hội cũng thấp hơn cùng kỳ… Thực tế là DN khó khăn, đình đốn, tác động đến đời sống người lao động. Phải tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đây chính là ưu tiên hàng đầu”.

Đại biểu Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) lo lắng với nhận định của Chính phủ về nguồn thu ngân sách. Theo đại biểu, dự báo thu ngân sách khó khăn, ngay cả cơ chế chuẩn bị nguồn để nâng lương cũng khó khăn. Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đề ra, nhưng đại biểu đề nghị phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, có giải pháp đột phá hơn mới đạt được những chỉ tiêu đề ra.

Trong nhóm các giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012. Trong đó:

Điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Tăng cung tín dụng để góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế, điều hành ở mức tăng 12% cả năm 2013; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Quản lý tốt hơn thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; phấn đấu giữ bội chi ngân sách như đã được Quốc hội thông qua (4,8% GDP). Triển khai thực hiện Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013-2015. Tập trung các giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế. Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cần thiết; thu hồi các khoản vốn, kinh phí đã giao dự toán nhưng đến hết 30/6/2013 các Bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết. Thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương); trong đó, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi công tác trong và nước ngoài.

Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA. Điều chuyển vốn của các dự án, công trình chậm tiến độ. Xem xét tiếp tục ứng vốn trái phiếu Chính phủ đã giao giai đoạn 2012-2015 cho một số công trình quan trọng cấp bách hoàn thành trong năm 2013. Trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để dành cho dự án Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên. Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách thông qua các hình thức đầu tư thích hợp.

Tiếp tục thực hiện chủ trương điều chỉnh giá điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.