Phải khởi tố doanh nghiệp sản xuất phân bón giả

Theo Duy Anh/daibieunhandan.vn

Quản lý chồng chéo, chế tài xử phạt thiếu nghiêm minh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn “đất” sống. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) đang gấp rút xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy phân bón giả	. Nguồn: Internet
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy phân bón giả . Nguồn: Internet

Phóng viên: Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến nông dân mà còn đến nền kinh tế, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tại sao thời gian qua chúng ta chưa thể xử lý dứt điểm được vấn nạn này, thưa ông?

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,

Ông Hoàng Trung: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón sau 3 năm thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn những điểm chưa thực sự hợp lý. Nhiều quy định chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng.

Bên cạnh đó, việc quản lý thuộc trách nhiệm của cả Bộ NN - PTNT và Bộ Công thương dẫn đến chồng chéo, tạo “khoảng trống” về mặt pháp lý.

Đơn cử về công tác thanh, kiểm tra, cơ sở kinh doanh phân bón vô cơ sẽ thuộc Bộ Công thương, phân bón hữu cơ sẽ thuộc Bộ NN - PTNT; còn kinh doanh cả phân bón hữu cơ và vô cơ sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Trên thực tế, hầu hết cơ sở kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp đều kinh doanh cả hai loại phân bón này.

Và với 32.000 đại lý, cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp trên cả nước, cách phân chia nhiệm vụ như vậy vô hình trung khiến việc hậu kiểm không bảo đảm, không đủ lực lượng để làm. Trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành và hệ thống Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật địa phương rất lớn lại không được tham gia.

Đặc biệt, trước đây vấn đề quản lý các cơ sở buôn bán phân bón không được Nghị định số 202 quy định cụ thể mà đều do các tổ chức, cá nhân tự thực hiện, công tác hậu kiểm không được thực hiện bài bản. Đây chính là kẽ hở để cho phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tiếp tục hoành hành.

Nghĩa là sự nhiễu loạn trên thị trường phân bón có một phần là do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?

Tình trạng nhiễu loạn trên thị trường phân bón có nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết là nguyên nhân về phương thức quản lý. Phân bón phải được quản lý theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhưng Nghị định 202 trước đây không có quy chuẩn nào về phân bón. Việc cho phép doanh nghiệp tự khảo nghiệm, tự đánh giá kết quả, công tác hậu kiểm chưa được chú trọng nên số lượng phân bón trong 3 năm qua tăng chóng mặt.

Chưa kể còn nhiều sản phẩm phân bón công bố hợp quy trước thời điểm Nghị định số 108/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành do các Sở Công thương, Sở NN - PTNT xác nhận theo quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP vẫn đang tiếp tục gửi về. Hiện cả nước có tới 706 cơ sở sản xuất phân bón đã được cấp phép hoạt động, trong khi vẫn còn hơn 200 hồ sơ của các cơ sở mới Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN - PTNT đã tiếp nhận đang chờ thẩm định.

Ngoài công tác quản lý thì không thể không đề cập đến đạo đức của người sản xuất, kinh doanh. Chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phân bón thời gian qua ra sao, thưa ông?

Chắc chắn là chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phân bón thời gian qua chưa đủ sức răn đe nên mới xảy ra tình trạng thị trường phân bón nhiễu loạn như vậy. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 4.000 vụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng, sai nhãn mác, hàm lượng dinh dưỡng công bố và một số các hành vi khác.

Vừa qua, rất nhiều vụ việc đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt, tuy nhiên, chúng tôi hy vọng, trông chờ vào sự nghiêm minh của pháp luật, phải khởi tố hình sự đối với những doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, tránh việc xử phạt hành chính không đủ sức răn đe, doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt vì lợi nhuận, hệ lụy lại do người dân gánh chịu.

Theo ông, trước mắt và lâu dài, cần có giải pháp căn bản nào để chấm dứt tình trạng này?

Trước đây, chúng ta xử phạt theo quy định tại Nghị định số 163/2013/NĐ-CP, Nghị định số 115/2016/NĐ-CP. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN - PTNT xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt hành chính riêng trong lĩnh vực phân bón, Bộ đang gấp rút thực hiện, sẽ trình lên Chính phủ trong tháng 12/2017.

Một trong những điểm mới của Nghị định này là mức phạt tiền có thể tăng gấp 7 lần so với trước đây ở cùng hành vi vi phạm. Ngoài ra, phân định rõ ràng thẩm quyền của các cơ quan chức năng từ Bộ NN - PTNT, Bộ Công thương, Bộ Công an, Cảnh sát Biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND các tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt là các quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 20/9/2017.

Xin cảm ơn ông!