Phấn đấu tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến

Tuấn Kiệt

Năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn Ngành thông qua các công cụ số hóa. Phấn đấu tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến...

Ngành Tài chính phấn đấu 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng.
Ngành Tài chính phấn đấu 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng.

Theo Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2025 của Bộ Tài chính được ban hành Quyết định số 3042/QĐ-BTC ngày 24/12/2024, Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu tiếp tục xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, đảm bảo công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, đổi mới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính số trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước ngành Tài chính đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài chính.

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tài chính trong việc chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ triển khai thực hiện công tác cải cách tài chính công; đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính tích cực của ngân sách địa phương. Đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện thoái vốn xong tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ, tham gia góp vốn; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP vào năm 2025. Cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật góp phần tích cực trong phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng.

Trong năm 2025, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu có tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.

Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; 90% thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Đồng thời, hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tinh đến hết ngày 31/5/2020. 

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. 

Theo Kế hoạch đề ra, sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành Tài chính thông qua các công cụ số hóa; 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương... Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc tổ chức thực hiện CCHC trong lĩnh vực tài chính; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan việc triển khai nhiệm vụ CCHC của các đơn vị trong ngành Tài chính.

Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu, tâm quan trọng của CCHC; xác định công tác CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Cụ thể hóa các nội dung, yêu cầu tại Nghị quyết số 76/NQ-CP; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài chính; Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt áp dụng những giải pháp mới để CCHC trở thành khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của Bộ.

Tại Kế hoạch, Bộ Tài chính cũng đề ra các nhiệm vụ CCHC trong năm 2025 trên các lĩnh vực như: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy; Cải cách công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số...