Phân khúc bất động sản Đà Nẵng được nhà đầu tư quan tâm
Thời gian qua, dự báo bất động sản Đà Nẵng của các chuyên gia đã phần nào chính xác bởi khi tình hình dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát, có nhiều dấu hiệu cho thấy bất động sản Đà Nẵng trở lại đường đua.
Sức hút của bất động sản nghỉ dưỡng
Tín hiệu đầu tiên hấp dẫn các nhà đầu tư chính là đầu tư công Đà Nẵng giai đoạn giai đoạn 2020 - 2025 dự kiến là hơn 2 tỷ USD để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Mục tiêu trong tương lai được Chính phủ đề ra trong 2030 - 2045 là đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và Đông Nam Á.
Một tín hiệu nữa là 7 tỉnh, thành gồm TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Quảng Ninh, Khánh Hòa và Đà Nẵng là những địa phương đầu tiên trên cả nước được thí điểm đón khách quốc tế đầu năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực giúp ngành du lịch khởi động lại và tạo đà cho nhiều hoạt động kinh doanh khác chuyển động theo.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng có vinh dự lần thứ 2 được nhận được giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2021 - Giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho các thành phố, đô thị.
Nhờ vậy, các tổ chức, cá nhân cũng đang rục rịch để tiếp tục triển khai giao dịch các ý tưởng hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình trong lĩnh vực này. Điều này khiến cho giá bất động sản nhích nhẹ, đặc biệt tập trung nhiều ở phân khúc đất nền ven biển. Các chuyên gia đánh giá cao sự phục hồi này sẽ giúp giá đất thoát khỏi vùng trũng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Hạ tầng, bất động sản hàng hiệu thu hút nhà đầu tư
Đà Nẵng không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà còn là điểm đến du lịch nổi tiếng cả nước và khu vực, thiên đường nghỉ dưỡng, nơi có những hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang triển khai hoàn thiện “Dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong kế hoạch chung, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển thành phố trên 3 trụ cột chính là: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển…
Đáng lưu ý, xét về thị trường ở quy mô thành phố, điểm đến, báo cáo của Savills cho thấy Đà Nẵng đang thuộc nhóm 20 thị trường hàng đầu thế giới về bất động sản hàng hiệu (Branded Residences). Thị trường này được đánh giá có nhiều dự án căn hộ hàng hiệu với mức giá rất hợp lý và còn rất nhiều triển vọng trong tương lai. Đặc biệt khi Đà Nẵng không chỉ là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà còn được ví là “thiên đường nghỉ dưỡng”, điểm đến du lịch thu hút khách trong và ngoài nước khi ngành du lịch, hàng không trở lại…
Báo cáo chuyên sâu của Savills World Research nêu rõ, bất động sản hàng hiệu đang ghi nhận mức tăng trưởng 230% trên toàn cầu trong vòng 1 thập kỷ qua bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh. Việt Nam và Mexico hiện đang dẫn đầu phân khúc trên cao cấp (upper-upscale). Đây cũng là phân khúc ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu. Tỷ lệ chênh lệch giá bình quân giữa bất động sản hàng hiệu và không có thương hiệu là 29%. Đối với thị trường mới nổi, con số này là 44%.
Savills cũng nhận định thêm rằng: “Các dự án khác nhau nằm ở những vị trí khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng biệt. Bởi vậy, quy mô cho bất động sản hàng hiệu cũng sẽ đa dạng hơn. Xét về góc độ đầu tư, những yếu tố này góp phần mang lại ưu thế vượt trội cho thị trường bất động sản hàng hiệu, giúp thu hút người mua và tăng tính cạnh tranh trên thị trường”.
Theo các chuyên gia, bất động sản hàng hiệu có những tác động tích cực tới thị trường, trong việc mang tới tiêu chuẩn thiết kế tầm cỡ và giới thiệu những tinh hoa của thương hiệu cũng như chất lượng dịch vụ quản lý cao cấp, đồng nhất trên toàn cầu.