Phần lớn trái cây ngoại đến từ Trung Quốc

Theo Thanh Thanh/thoibaonganhang.vn

Tiểu thương chợ đầu mối thừa nhận, đến 85% trái cây nhập khẩu tại chợ là hàng Trung Quốc

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ghi nhận tại 3 chợ đầu mối nông sản lớn nhất TP. Hồ Chí Minh là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền cho thấy, tổng lượng hàng nông sản về thành phố ước khoảng 8.000 - 10.000 tấn/ngày. Theo các cơ quan chức năng, lượng trái cây nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 15% - 20% trong tổng lượng rau quả nhập chợ hàng ngày (tương đương khoảng 2 tấn trái cây nhập khẩu/ngày). Trái cây nhập khẩu vào chợ đầu mối được người bán giới thiệu có xuất xứ từ Mỹ, Úc và Trung Quốc.

Riêng hàng Trung Quốc luôn chiếm số lượng áp đảo, lên đến 85% lượng trái cây nhập khẩu. Theo một chủ vựa trái cây (Lô D 9 chợ Thủ Đức), hàng này vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung vào, theo đơn đặt hàng của tiểu thương. Trái cây Trung Quốc cũng theo mùa rộ như tại Việt Nam (ví dụ từ tháng 5 – 8 hàng năm là mùa quýt, hồng, măng cụt, từ tháng 8 – 11 là mùa cherry…).

Lượng trái cây nhập khẩu từ các nước khác là rất ít, phần lớn do các doanh nghiệp đưa vào Việt Nam bằng đường hàng không hoặc đường biển. Sau đó, doanh nghiệp trực tiếp làm nhà bán sỉ, phân phối đến các siêu thị, shop trái cây cao cấp. Giá bán loại trái cây này cao gấp 10 lần trái cây Trung Quốc, nên rất ít chủ vựa trái cây ở chợ đầu mối đặt hàng về bán sỉ. Khi đến chợ đầu mối, phần lớn tiểu thương lấy hàng Trung Quốc (có khi để trà trộn vào hàng nhập từ nước khác) về bán.

Đặc biệt, hiện nay ngay cả các loại trái cây đặc sản của Việt Nam như bòn bon, măng cụt, sầu riêng, na… thì hàng Trung Quốc cũng có đủ. Ví như măng cụt không hạt, trước nay nhiều người tiêu dùng vẫn lầm tưởng là của Thái Lan thì thực chất chính là hàng Trung Quốc, loại này trái nhỏ, vị ngọt và không hạt; trong khi măng cụt Việt Nam trái to, có hạt và vị chua hơn. Hay loại lê vàng, trái to, mọng nước giờ cũng có hàng từ Trung Quốc với giá rẻ.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay có 14 quốc gia được phép xuất khẩu trái cây tươi vào Việt Nam. Đó là Ấn Độ, Argentina, Canada, Chile, Hàn Quốc, Mỹ, Mexico, Nam Phi, New Zealand, Peru, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Úc. Trong đó, nước được xuất khẩu nhiều chủng loại vào Việt Nam nhất là Úc với 38 loại trái cây, tiếp đến Thái Lan 25 loại, Trung Quốc chỉ 4 loại…

Số lượng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc theo thống kê của cơ quan chức năng chỉ đạt trung bình từ 120.000 tấn – 150.000 tấn/năm (chủ yếu là táo, lê, nho) và chiếm  đến 60% lượng trái cây nhập khẩu chính thức. Nhưng thực tế trên thị trường lại hoàn toàn khác, trái cây Trung Quốc hầu như có mặt quanh năm tại tất cả các chợ shop trái cây từ thành thị đến nông thôn Việt Nam và có phân khúc tiêu thụ rõ ràng. Hầu hết các tiểu thương ở chợ đầu mối đều cho rằng, vì có quá ít trái cây nhập khẩu từ các nước khác có chất lượng thường rất đảm bảo, nên nhiều người bán đưa trái cây Trung Quốc vào thay thế với lợi nhuận cao hơn nhiều.

Theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật - đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trái cây nhập khẩu thì, yêu cầu đối với trái cây nhập khẩu vào Việt Nam hiện chỉ dừng ở mức trái cây phải được đóng gói tại các cơ sở được cấp phép của nước xuất khẩu, phải được xử lý (bảo quản lạnh...) và được kiểm dịch. Còn những quy định chi tiết hơn về truy xuất nguồn gốc thì chưa có.

Mặt khác, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thì các tổ chức, cá nhân đang tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam, trước khi đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường, phải tiến hành công bố chất lượng cho sản phẩm của mình. Và nhóm hàng trái cây nhập khẩu nằm trong nhóm mặt hàng tự công bố chất lượng. Vì vậy, chỉ cần người bán đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm với người tiêu dùng, thì ngay sau khi tự công bố sản phẩm, sẽ được phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm, rồi chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn thực phẩm của sản phẩm đó.