Phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ: Thiếu công bằng cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam
(Tài chính) Hôm 13/8/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ 5 nước, trong đó có Việt Nam và chính thức có hiệu lực vào Việt Nam vào rạng sáng 14/8. Mặc dù mức thuế dành cho tôm Việt Nam đã được giảm xuống so với thuế tôm của nhiều nước, song phán quyết này vẫn thiếu tính công bằng.
Một quyết định vô lý
Trước đó, theo Quyết định sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 7 (POR7) đối với mặt hàng tôm đang bị kiện này, mức thuế tạm thời cho bị đơn tự nguyện (các doanh nghiệp không được lựa chọn điều tra nhưng tự nguyện tham gia vụ điều tra) dựa trên mức bình quân của thuế suất cho các bị đơn bắt buộc là 0,00% và mức thuế toàn quốc (dành cho các nhà xuất khẩu còn lại không tự nguyện tham gia vụ điều tra hoặc tham gia không đầy đủ và không chứng minh được họ hoạt động độc lập với sự kiểm soát của Chính phủ) là 25,76%.
Như vậy, mức thuế theo phán quyết áp thuế mới tuy thấp hơn so với mức thuế bị áp của 4 nước còn lại, và đã có sự điều chỉnh so mức thuế áp toàn quốc cho một số các doanh nghiệp nhưng thực tế, vẫn là mức thuế cao doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu thiệt. Bởi trước đây, nếu mức thuế sơ bộ bằng 0 theo phương pháp zeroing đã có ảnh hưởng và tác động lớn đến thuế suất của các bị đơn Việt Nam và khi loại bỏ phương pháp này, thuế suất sơ bộ giảm xuống đáng kể so với thuế suất cuối cùng của đợt rà soát hành chính trước đó (POR6), từ mức lớn hơn 0% hoặc không đáng kể xuống 0%, thì phán quyết mới đã khiến những doanh nghiệp đang được hưởng thuế suất 0,00%, nay sẽ phải gánh thuế. Các doanh nghiệp đang xuất khẩu mặt hàng này đồng loạt cho rằng phán quyết này thật sự không công bằng và cho thấy vẫn còn những vô lý trong cách tính thuế từ phía Mỹ, đặc biệt khi trong phán quyết lần này cả Indonesia và Thái Lan đều không bị đánh thuế với lý do mà DOC đưa ra là các sản phẩm từ 2 quốc gia này không nhận hỗ trợ từ Chính phủ.
Không chỉ doanh nghiệp XK thiệt hại
Theo một nông dân ở Sóc Trăng – vùng tôm nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, việc nuôi tôm ở ngay vùng được cho là ưu đãi này cũng không hề dễ dàng. Bên cạnh những thuận lợi tự nhiên, thì người nuôi tôm phải thường xuyên đối mặt với những khó khăn như dịch bệnh, giá cả thất thường từ phía DN… Một số hộ nuôi tôm trong vùng đã nỗ lực chuyển hướng sang nuôi tôm sinh thái, tôm sạch theo chuẩn GAP nhưng thực tế không được sự hỗ trợ từ phía DN, càng không có “trợ cấp” nào từ phía Chính phủ. “Xét ở quan điểm thương mại, doanh nghiệp chỉ mua giá cao khi xuất khẩu thuận lợi. Nếu DOC tiếp tục áp thuế mức cao, thậm chí có doanh nghiệp trên 7% thì doanh nghiệp sẽ không thể mua nguyên liệu giá cao và theo đó, khó khăn sẽ đổ dồn về phía người nông dân”, những người nông dân nói.
DN Việt Nam không hề hưởng trợ cấp từ chính phủ hay trợ cấp riêng biệt nào khác nên không thể bị áp thuế chống trợ cấp.
Theo nhiều chuyên gia, với mức thuế khoảng 4,5% (mức bình quân) cho các doanh nghiệp VN, dự kiến, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng giá thành xuất khẩu hoặc giảm biên lợi nhuận – nếu muốn tiếp tục đưa tôm nước ấm vào thị trường Mỹ. Quan trọng, cơ hội cạnh tranh với các thị trường được áp thuế suất bằng 0% trong cùng khu vực như Thái Lan, Indonesia sẽ lệch pha rất lớn và doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nguy cơ đánh mất thị phần ở thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam này. Tất cả đều mang đến những bất lợi cho ngành sản xuất tôm của VN.
Cơ hội cuối cùng để ngành sản xuất tôm Việt Nam được trả lại sự công bằng hiện đang thuộc về những đánh giá sau cùng của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) vào 19/9 tới, khi ITC tiến hành công bố thiệt hại của các nhà NK Mỹ.