Pháp kêu gọi châu Âu áp thuế lên các “đại gia” công nghệ Mỹ

Theo H.Thủy/bnews.vn

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần quan tâm hơn tới kế hoạch tăng thuế đối với các “đại gia” ngành công nghệ của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire. Nguồn: Internet
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire. Nguồn: Internet
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2 ngày 6/9, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần quan tâm hơn tới kế hoạch tăng thuế đối với các “đại gia” ngành công nghệ của Mỹ. 

Paris hy vọng việc áp thuế sẽ được triển khai vào đầu năm 2019. Khoản thuế này nhắm tới các công ty đa quốc gia lựa chọn một nước tại EU có mức thuế thấp để khai báo doanh thu cho hoạt động tại toàn bộ 28 nước thuộc khối này, khiến các nước thất thu hàng tỷ euro. 

Đề xuất áp thuế của Pháp ảnh hưởng chủ yếu đến các công ty Mỹ có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro (tương đương 870 triệu USD), chẳng hạn như Facebook, Google, Twitter, Airbnb và Uber. 

Theo ông Le Maire, người dân châu Âu muốn sự công bằng về tài chính. Ông nói rằng họ không hiểu tại sao các quan chức EU cho phép các công ty như Google, Amazon và Facebook nộp thuế ít hơn tới 14 điểm phần trăm so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nguồn gốc châu Âu. 

Dự kiến, đề xuất áp thuế của Pháp sẽ là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính EU và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tổ chức ở Vienna (Áo) vào cuối tuần này. 

Nhưng đề xuất của Pháp, vốn đòi hỏi phải nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên EU, dường như đang gặp ngày càng nhiều trở ngại. 

Tờ Bild của Đức hôm 5/9 đưa tin rằng Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, người đã ủng hộ kế hoạch nêu trên của Pháp, cho rằng việc miêu tả các công công ty công nghệ lớn như nhân vật "phản diện" sẽ không mang lại hiệu quả. 

Tuy nhiên, ông Scholz sau đó đã lên tiếng cho biết ông vẫn giữ nguyên lập trường của mình và chỉ ra rằng ông muốn cân nhắc những lựa chọn thay thế. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, các đề xuất đều có những ưu điểm và nhược điểm của chúng, và giải pháp cho vấn đề thuế của các công ty công nghệ lớn sẽ không xuất hiện một cách dễ dàng. 

Khi được hỏi về lập trường của Berlin, ông Le Maire đã khéo léo giảm nhẹ những khác biệt giữa hai bên. Ông nói rằng Đức đã ủng hộ Pháp kể từ khi đề xuất này được đưa ra, và ông tin rằng Berlin sẽ ủng hộ Paris đến cùng.