USD nguy cơ bị soán ngôi
Còn nhớ năm 1965, Tổng thống Pháp khi đó là Valéry Giscard d’Estaing đã từng thốt lên rằng, lợi ích mà Mỹ gặt hái từ việc sở hữu đồng tiền dự trữ quốc tế lớn nhất thế giới là “đặc quyền cắt cổ”. Thế nhưng, chính sách thương mại bị đánh giá sai lầm hiện nay của Mỹ cùng với sự nổi lên của các đồng tiền thay thế đưa đến viễn cảnh u ám đối với đồng tiền quyền lực này.
Lợi thế của USD
Như nhà kinh tế Ronald McKinnon đã chỉ ra, USD đã trở thành loại tiền tệ quốc tế chiếm ưu thế lớn nhất sau Thế chiến II, bởi nó giúp làm giảm áp chế tài chính và sự phân mảnh ở châu Âu và châu Á, nơi mà lạm phát cao, tỷ lệ lãi suất thực âm, và quá nhiều quy định điều tiết.
Bằng cách sử dụng USD để neo giá và dùng tỷ lệ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) làm tiêu chuẩn tham khảo xác định chi phí vốn, lập hóa đơn, thanh toán, thanh toán bù trừ, thanh khoản, và dự trữ ngân hàng trung ương, tất cả trở nên ổn định và đáng tin cậy hơn.
Mỹ có được ba lợi ích kinh tế quan trọng từ vai trò tiền tệ mà đồng bạc xanh đang sở hữu. Đầu tiên là khả năng vay nợ nước ngoài bằng USD. Khi một chính phủ vay mượn bằng ngoại tệ, rủi ro sẽ rất cao, chính phủ đó có thể phá sản nếu tỷ giá đồng ngoại tệ biến động mạnh.
Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu vay bằng đồng nội tệ. Với vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế lớn nhất, mọi giao dịch quốc tế đều phải sử dụng đồng tiền này. USD cho phép Kho bạc Mỹ vay nợ với tính thanh khoản cao hơn và lãi suất thấp hơn mức có thể.
Lợi thế thứ hai nằm ở lĩnh vực dịch vụ ngân hàng. Mỹ, chính xác hơn là Phố Wall đã kiếm được bộn tiền nhờ bán các dịch vụ ngân hàng cho phần còn lại của thế giới.
Cuối cùng, việc nắm giữ đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới cho phép Mỹ đặc quyền kiểm soát các quy định. Mỹ trực tiếp quản lý hoặc đồng quản lý các hệ thống thanh khoản quan trọng nhất thế giới.
Điều này đã trực tiếp cho Mỹ một công cụ quan trọng để giám sát và hạn chế dòng vốn liên quan đến khủng bố, buôn bán ma túy, bán vũ khí bất hợp pháp, trốn thuế hay các hoạt động bất hợp pháp khác.
Bắt đầu cho sự kết thúc?
Tuy nhiên, những lợi thế này phụ thuộc vào việc Mỹ cung cấp dịch vụ tiền tệ cho thế giới chất lượng đến đâu. USD được sử dụng rộng rãi vì nó là đơn vị thuận tiện nhất, chi phí thấp nhất và an toàn nhất. Nhưng nó không phải không thể thay thế.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, hoạt động quản lý tiền tệ của Mỹ đã có lúc phạm phải sai lầm nghiêm trọng, và những chính sách thương mại thiếu đúng đắn của chính quyền hiện tại có thể đẩy nhanh sự kết thúc ưu thế của USD.
Trở lại những năm 1960, những sai lầm trong quản lý tài chính và tiền tệ của Mỹ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá hối đoái dựa trên đồng dollar Bretton Woods vào tháng 8.1971, khi chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đơn phương từ chối quyền của các ngân hàng trung ương nước ngoài được chuyển dollar vàng.
Sự sụp đổ của hệ thống bản vị dollar đã kéo theo một thập kỷ lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu, và sau đó là thời kỳ giảm phát đột ngột và tốn kém ở Mỹ vào đầu những năm 1980. Những rối loạn bắt nguồn từ USD là yếu tố quan trọng thúc đẩy châu Âu bắt tay vào công cuộc thống nhất tiền tệ năm 1993 và cuối cùng là sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu euro năm 1999.
Tương tự như vậy, cách xử lý của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã thuyết phục Trung Quốc quyết tâm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt đầu từ Phố Wall và nhanh chóng lan khắp thế giới khi thanh khoản liên ngân hàng cạn kiệt, một lần nữa khiến thế giới hoài nghi USD và hướng tới các đồng tiền thay thế.
Giờ đây, chiến tranh thương mại và các biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ củng cố xu hướng này. Cũng giống như Brexit đang phá hoại London, các chính sách thương mại và tài chính theo phương châm “nước Mỹ là trên hết” của ông Trump sẽ làm suy yếu vai trò của USD cũng như vai trò là trung tâm tài chính toàn cầu của New York.
Chiến tranh thương mại là một trong những nỗ lực thiếu mạch lạc của chính quyền Mỹ nhằm ngăn chặn sự phát triển kinh tế của Trung Quốc bằng cách kiềm chế xuất khẩu của Bắc Kinh.
Nhưng trong khi thuế quan của Mỹ và các hàng rào thương mại phi thuế quan chỉ có thể làm giảm tăng trưởng của Trung Quốc trong ngắn hạn, mà không khiến giới chức Bắc Kinh thay đổi quỹ đạo tăng trưởng dài hạn của mình. Thậm chí, nhiều khả năng điều đó chỉ càng củng cố quyết tâm của Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào tài chính và thương mại của Mỹ.
Bằng chứng là Trung Quốc đang tìm cách tăng gấp đôi đầu tư quân sự, đầu tư lớn vào các công nghệ tiên tiến và thúc đẩy nhân dân tệ trở thành một đồng tiền thanh khoản toàn cầu như là một thay thế cho USD.
Không chỉ vậy, việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt biện pháp trừng phạt nước này đang góp phần phá hoại vai trò quốc tế của USD cũng như thúc đẩy các chính sách toàn cầu chống Mỹ.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đây đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận hạt nhân và khôi phục quan hệ kinh tế với Iran. Các quốc gia khác, dẫn đầu là Trung Quốc và EU, đang tích cực theo đuổi các biện pháp để phá vỡ trừng phạt của Mỹ, đặc biệt là bằng cách xem xét lại hệ thống thanh toán bằng USD.
Minh chứng là Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas mới đây đã tuyên bố lợi ích của Đức trong việc thiết lập hệ thống thanh toán châu Âu độc lập: “Điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường khả năng tự chủ bằng cách tạo ra các kênh thanh toán độc lập với Mỹ.
Đó có thể là Quỹ tiền tệ châu Âu và hệ thống SWIFT độc lập”. (SWIFT là tổ chức quản lý hệ thống nhắn tin toàn cầu để chuyển khoản liên ngân hàng).
Cho đến nay, các doanh nghiệp Mỹ vẫn đứng về phía Tổng thống Donald Trump, người vừa ký đạo luật cải cách thuế vốn được đánh giá là “món quà cho người giàu”.
Mặc dù thâm hụt ngân sách tăng cao, USD vẫn còn mạnh trong ngắn hạn, bởi cắt giảm thuế đã thúc đẩy tiêu thụ và lãi suất tăng giúp kéo vốn từ nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu những chính sách hiện nay vẫn được duy trì, người ta sẽ không phải chờ lâu để chứng kiến các doanh nghiệp và chính phủ chạy đến Thượng Hải thay vì Phố Wall để phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.