Phát huy hiệu quả mô hình quản lý vốn Nhà nước
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (Khóa IX) của Ðảng về sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã xác định cần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước theo hướng tách biệt chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước từ phương thức hành chính (cấp phát vốn) sang kinh doanh vốn thông qua mô hình công ty đầu tư tài chính nhà nước.
Các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các địa phương sẽ tập trung vào việc hoạch định và thực thi các chính sách, trong khi các quyền và lợi ích của Nhà nước với tư cách một cổ đông sẽ do một tổ chức kinh tế đặc biệt thực hiện trên cơ sở Luật Doanh nghiệp.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các DN, đồng thời thực hiện đầu tư vốn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ, nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong nền kinh tế, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy luật thị trường.
Những kết quả tích cực
Theo báo cáo năm 2012 của SCIC, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh của tổng công ty đều vượt kế hoạch, đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2011. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2011; lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách hơn 600 tỷ đồng (không tính khoản thu cổ tức 2.100 tỷ đồng đã nộp thuế trước khi chuyển về SCIC), tăng 83%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bình quân đạt 22%, tăng 32%. Trong bối cảnh năm 2012, nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn thì những kết quả đạt được nêu trên của SCIC rất đáng ghi nhận.
Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại gần 1.000 DN, SCIC đã thực hiện đánh giá và phân loại các DN tiếp nhận, trên cơ sở đó, tiến hành tái cơ cấu vốn nhà nước tại DN thông qua việc tích cực bán phần vốn Nhà nước tại các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối. Ðến nay, SCIC đã thực hiện bán vốn tại gần 600 DN, thu về cho Nhà nước hơn 3.300 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách, khoản tiền thu được gấp hơn hai lần cho thấy đồng vốn Nhà nước không chỉ được bảo toàn mà còn tạo thêm giá trị gia tăng. Ðây là nguồn vốn bổ sung quan trọng để SCIC tăng cường đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng hoặc đầu tư linh hoạt để tăng trưởng nguồn vốn nhà nước.
Tổng vốn đầu tư của SCIC đến nay đạt gần 9.300 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như: Mua cổ phiếu, trái phiếu của các DN; góp vốn thành lập DN mới; đầu tư tăng vốn tại các DN có lợi thế trong sản xuất, kinh doanh với vai trò cổ đông nhà nước; đầu tư dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao... Tổng công ty đã hợp tác cùng Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đầu tư các dự án điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Bà, Hải Phòng và Quảng Ninh; đang xúc tiến phối hợp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm như trụ sở Bộ Ngoại giao ở nước ngoài, một số cảng biển, tuyến đường quan trọng. SCIC cũng đang xúc tiến xem xét báo cáo Thủ tướng để mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty... Ðánh giá chung danh mục đầu tư của tổng công ty tại thời điểm ngày 31/12/2012 với tổng giá trị theo sổ kế toán khoảng 14.000 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt 50.000 tỷ đồng, chênh lệch tăng 36.000 tỷ đồng cho thấy hoạt động đầu tư của SCIC không những bảo toàn vốn nhà nước được giao mà còn tăng trưởng, đạt hiệu quả khá cao.
Không chỉ thực hiện tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại DN, SCIC còn đem lại các giá trị gia tăng cho DN trong danh mục quản lý thông qua việc giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thông qua đó gia tăng giá trị của DN và phần vốn nhà nước tại DN. Trên thực tế, hầu hết các DN sau khi chuyển giao về SCIC đều đạt tốc độ tăng trưởng khá.
Một số thí dụ điển hình như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lũy kế thu cổ tức về cho cổ đông Nhà nước đến nay đã đạt hơn 2.600 tỷ đồng (gấp hơn ba lần số vốn Nhà nước đầu tư ban đầu), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn ở mức cao, trung bình đạt hơn 40%/năm trong ba năm qua. Công ty cổ phần Viễn thông FPT lũy kế đến nay đã thu cổ tức gần 500 tỷ đồng (gấp hơn ba lần giá trị vốn Nhà nước đầu tư ban đầu), tỷ suất ROE trong ba năm qua trung bình đạt hơn 70%/năm. Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Việt Nam (VINARE) có tổng lợi nhuận trước thuế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 68,58%/năm. Với vai trò là một cổ đông năng động, SCIC đã hỗ trợ VINARE trong việc tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Swiss Re - Tập đoàn Tái bảo hiểm số một thế giới. Giao dịch bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài của VINARE được Tạp chí Finance Asia bình chọn là giao dịch thành công nhất của Việt Nam năm 2008. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang từ năm 2007 đến năm 2010 có mức tăng bình quân đạt 30% về doanh thu và 70% về lợi nhuận. Công ty có các chỉ số tài chính hấp dẫn các nhà đầu tư. ROA bình quân đạt 17%/năm và ROE bình quân hơn 30%/năm...
Kết quả kinh doanh của SCIC trong hơn sáu năm qua cũng đạt những kết quả ấn tượng. Các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu đều tăng gấp nhiều lần so với thời điểm thành lập. Trong đó, tổng tài sản của SCIC tăng hơn mười lần (từ gần 6.000 tỷ đồng lên hơn 62.000 tỷ đồng) do tăng vốn chủ sở hữu và tập trung đôn đốc thu nợ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng gần 7,5 lần (từ khoảng 3.700 tỷ đồng lên 27.700 tỷ đồng) do bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận tích lũy qua đầu tư kinh doanh và thặng dư bán vốn.
Phát huy mô hình SCIC
Sau Hội nghị tổng kết 10 năm đổi mới DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03 ngày 17/1/2012, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chuyển giao phần vốn nhà nước tại các DN độc lập đã cổ phần hóa về SCIC, đồng thời giao SCIC thí điểm quản lý vốn nhà nước ở một số công ty mẹ, tổng công ty 90 đã cổ phần hóa.
Mới đây, Nghị định số 99/2012/NÐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN đã khẳng định vai trò của SCIC trong việc tiếp nhận và quản lý phần vốn nhà nước tại DN. Ðồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khuôn khổ, thể chế cho hoạt động của SCIC, trong đó có Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Ðiều lệ mới của SCIC dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý I/2013.
Theo Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Ðạo, một trong những nội dung trọng tâm trong kế hoạch năm 2013 của SCIC là trên cơ sở Nghị định và Ðiều lệ mới của SCIC, tổng công ty sẽ khẩn trương xây dựng Chiến lược Phát triển của tổng công ty đến năm 2020, đẩy mạnh tái cơ cấu theo Ðề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, SCIC sẽ tăng cường hoạt động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chiến lược trên nguyên tắc hiệu quả, trong đó quan tâm đến các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản..., tìm hiểu cơ hội để đầu tư mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty. Vừa qua, được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Ðầu tư SCIC (SIC) nhằm chuyên môn hóa hoạt động đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án đầu tư.
Ðối với các DN thuộc danh mục quản lý, SCIC sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác thoái vốn tại các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản trị DN thông qua hoàn thiện hệ thống Người đại diện và tăng cường cử cán bộ SCIC đến các DN quan trọng, đang gặp khó khăn hoặc có nhiều tồn tại cần giải quyết nhằm quản lý chặt chẽ hiệu quả vốn nhà nước tại DN.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank), hiện nay, các quốc gia đang từ bỏ mô hình phân cấp và tiến tới mô hình tập trung nhằm làm rõ và tăng cường vai trò sở hữu nhà nước, bảo đảm thực thi đồng nhất, tập trung kỹ năng và nguồn lực vào một nơi, tách biệt chức năng sở hữu nhà nước khỏi chức năng quản lý nhà nước để giảm thiểu hoặc tránh các xung đột lợi ích tiềm tàng.
Ðánh giá về hoạt động của mô hình SCIC, Bộ Chính trị trong Kết luận số 78 vào tháng 10/2009 đã chỉ đạo cần tiếp tục củng cố, phát huy mô hình này. Nghị định số 99/2012/NÐ-CP của Chính phủ cũng đặt SCIC là Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập, là một trong sáu tổng công ty đặc biệt có điều lệ tổ chức và hoạt động do Chính phủ trực tiếp ban hành (cấp nghị định). Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm nâng cao năng lực quản trị và tài chính để SCIC sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ, thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại các DN nhận chuyển giao.
Với những kết quả đã đạt được, tin rằng SCIC sẽ tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị thế trong thời gian tới, xây dựng và phát triển tổng công ty theo đúng định hướng của Ðảng và Nhà nước, góp phần vào công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.