Thực trạng khai thác nguồn lực tài chính đất đai
Thời gian gần đây, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được đề cập khá nhiều trên các diễn đàn cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích. Những vấn đề này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và thể chế hóa tại một số văn bản như: Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 về chính sách phát triển một số ngành CNHT; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 ban hành Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển...
Như vậy, phát triển CNHT đã được xác định có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tỷ tệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, hạn chế nhập siêu, tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước. Tuy nhiên, theo tổng kết đánh giá, ngành CNHT của Việt Nam còn quá non trẻ, mới chỉ ở bước khởi đầu, năng lực còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi vốn đầu tư cũng như cơ chế chính sách về tài chính, đất đai cho đầu tư phát triển nói chung và cho CNHT nói riêng còn dàn trải và nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình như: Quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc khai thác nguồn lực tài chính đất đai bằng hình thức liên doanh, liên kết vẫn còn nhiều bất cập, chưa có quy định hoặc quy định chưa cụ thể, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo quy định của pháp luật về đất đai thì “tổ chức kinh tế” được quyền góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể thế nào là “tổ chức kinh tế” và “tổ chức kinh tế” gồm cụ thể là những tổ chức nào, gây lúng túng trong quá trình thực hiện góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Hoặc như theo quy định của Luật Đất đai thì đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhưng không có quy định cụ thể đơn vị sự nghiệp có được giao đất có thu tiền sử dụng đất và nộp tiền sử dụng đất để được tham gia góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất hay không. Trong khi đó, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được sử dụng tài sản nhà nước giao để sử dụng vào mục đích liên doanh.
Chính sách về giá đất hiện cũng còn những “khập khiễng”, giá đất năm sau thường biến động tăng hơn năm trước, trong khi công tác giải phóng mặt bằng thường kéo dài, dẫn đến giá đất để tính thu tiền sử dụng đất và giá bồi thường, hỗ trợ về đất được duyệt làm căn cứ để khấu trừ tiền đền bù hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất phải nộp không cùng mặt bằng, dẫn đến các chủ đầu tư thắc mắc, kiến nghị.
Chính sách về ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật về khuyến khích đầu tư, cho đối tượng chính sách cũng còn bất cập như: Quy định ưu đãi trùng (vừa ưu đãi qua đơn giá vừa ưu đãi theo pháp luật đầu tư với cùng một tiêu chí về lĩnh vực hoặc địa bàn). Chính sách ưu đãi đầu tư về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật đầu tư tương đối bao quát và đầy đủ; tuy nhiên, trong từng lĩnh vực lại có những ưu đãi riêng cao hơn... Việc xử lý miễn giảm còn nặng về thủ tục hành chính, vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được hưởng ưu đãi theo chính sách.
Việc xử lý nghĩa vụ tài chính đất đai trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức xây dựng - chuyển giao, đấu thầu dự án có sử dụng đất cũng có nhiều vướng mắc song chậm được tháo gỡ nên không phát huy được mặt tích cực của phương thức này, trong khi đó lại nẩy sinh một số trường hợp “lách luật” tạo ra thu nhập lớn cho nhà đầu tư dẫn đến bức xúc trong dư luận.
Trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Luật Đất đai còn quá chung chung, các văn bản dưới Luật cũng chưa có hướng dẫn rõ nên các địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất khác nhau; dẫn đến thời điểm xác định nghĩa vụ tài chính tại các địa phương này cũng khác nhau - đây là nội dung vướng mắc nhất khi thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Ngoài ra, mặc dù hệ thống chính sách thu NSNN từ đất và chi đầu tư vào đất đã hình thành nhưng tính đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ chưa cao, chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp điều kiện thực tế; chưa phát huy đầy đủ vai trò thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản dẫn đến nguồn lực tiềm năng từ đất đai chưa được khai thác đầy đủ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, chưa trở thành công cụ sắc bén phục vụ công tác quản lý và sử dụng đất đai tiết kiệm và có hiệu quả…
Thực tế này đòi hỏi Chính phủ cần phải sớm có tổng thể hệ thống các giải pháp, trong đó chú trọng đến việc ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, phát triển của Nhà nước phải thực sự hấp dẫn, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng, có tính khả thi, phù hợp với quốc tế.
Chính sách tài chính đất đai cho phát triển CNHT
Trong chính sách pháp luật đất đai trước đây cũng như theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, khả năng tiếp cận đất đai và sử dụng đất của các DN sản xuất sản phẩm CNHT là bình đẳng như đối với các DN công nghiệp khác. DN CNHT được Nhà nước cho thuê đất thực hiện sản xuất kinh doanh hoặc thuê đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp do Nhà nước đầu tư hoặc của các công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng. Trong trường hợp DN sản xuất sản phẩm CNHT được nhà nước cho thuê đất trực tiếp thì nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất được thực hiện thống nhất theo các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính mà không có sự phân biệt giữa CNHT với các ngành, nghề, lĩnh vực được ưu đãi khác. Điều này đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Tất nhiên, mức điều tiết thu của nhà nước về tiền thuê đất thông qua tỷ lệ (%) để tính đơn giá thuê đất đối với DN CNHT cũng như các lĩnh vực sản xuất khác có thấp hơn so với lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ. Giá đất tính thu tiền thuê đất thống nhất xác định phù hợp với thị trường theo các phương pháp định giá đất do Chính phủ quy định: So sánh trực tiếp, thu nhập, chiết trừ, thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
Số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp, trong khi của Trung Quốc và Thái Lan chiếm tới 50-60%. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt Nam chỉ dao động từ 15 đến 30%.
Liên quan đến chính sách ưu đãi về đất đai, pháp luật đất đai hiện hành đã có quy định cụ thể mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng như các đối tượng được miễn, giảm thống nhất thực hiện theo pháp luật về đầu tư trên cơ sở danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ ban hành. Mức ưu đãi tiền thuê đất đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư là 11 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động và cao nhất là cả thời gian thực hiện dự án nếu dự án này đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Khi xây dựng, ban hành quy định về ưu đãi tiền thuê đất, Chính phủ đã tính toán đến các yếu tố phát triển, sự cần thiết, đặc thù và cân đối giữa ngành sản xuất sản phẩm CNHT với các ngành, lĩnh vực khác cũng như đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của chính sách tài chính đất đai. Mặc dù vậy, trong giai đoạn hiện nay và định hướng phát triển trong thời gian tới thì với mức ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định hiện hành vẫn chưa tạo ra được “cú hích” lớn cho ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, chủ động cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề này, tại dự thảo Nghị định của Chính phủ đã đề xuất các hình thức hỗ trợ, mức ưu đãi cụ thể về đất đai, tài chính đất đai (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT, trong đó chú trọng đến dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, phát triển, ứng dụng CNHT. Tuy nhiên, hiện nay, trong một số trường hợp cá biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, quyết định về cơ chế ưu đãi tài chính đất đai đối với một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu CNHT cũng như dự án sản xuất sản phẩm CNHT tại một số địa phương, như: Hà Nội (khu CNHT Nam Hà Nội), Đồng Nai (03 phân khu CNHT), Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu (khu công nghiệp chuyên sâu về cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử). Theo đó, DN đầu tư phát triển hạ tầng khu CNHT được giao đất, cho thuê đất trong thời hạn không quá 70 năm (cao hơn thời hạn thuê đất của các dự án thông thường); được miễn tiền thuê đất đến 20 năm kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động (cao hơn dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định pháp luật hiện hành) và thời gian miễn cụ thể do các địa phương quyết định tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng dự án; nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp không được tính số được miễn, giảm vào giá cho thuê lại đất đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT. Với những hỗ trợ này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngành sản xuất CNHT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới…
Tóm lại, muốn ngành CNHT phát triển nhanh và bền vững thì Nhà nước phải coi đây là một ngành quan trọng, cần được sự quan tâm đúng mức và phải có những chính sách khuyến khích đủ mạnh để CNHT phát triển. Trong đó, việc đổi mới các chính sách ưu đãi dành cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ là hết sức cần thiết. Trong đó, cần tập trung vào việc đổi mới các chính sách chủ yếu như: Đất đai, tín dụng, thuế, đầu tư. Riêng đối với chính sách đất đai, mặc dù theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước chủ động bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư nhưng thực tế điều này là rất khó khăn; do đó, Nhà nước cần phải có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất các sản phẩm hỗ trợ (kể cả những DN được thành lập mới hay những DN mở rộng quy mô sản xuất) tiếp cận nguồn lực về đất đai, có mặt bằng để sản xuất kinh doanh cũng như có ưu tiên nhất định về nghĩa vụ tài chính đất đai so với DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực khác. Trường hợp, để sớm có mặt bằng sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Nhà nước thì sẽ được trừ toàn bộ chi phí này vào tiền thuê đất phải nộp theo nguyên tắc bảo toàn vốn cho nhà đầu tư thông qua hình thức quy đổi số tiền đã ứng trước ra số năm, tháng hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất với Nhà nước.
Tuy nhiên, việc ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi này cần phải đảm bảo đúng đối tượng, có tính hiệu quả, công khai, minh bạch, cân đối với ngành, lĩnh vực khác và phù hợp với quốc tế; trong đó, đặc biệt lưu ý và lường trước việc một số sản phẩm CNHT có thể bị vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá của các nước nhập khẩu, sử dụng linh kiện do các DN của Việt Nam sản xuất sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong nước. Thực tế, thời gian gần đây, những vụ kiện bán phá giá mà DN của Việt Nam vướng phải khi xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU… trong đó đã có các DN sản xuất sản phẩm CNHT như: Đinh thép, hạt nhựa, sợi vải…
Một trong những nguyên nhân khiến các DN Việt Nam thua kiện là do được ưu đãi, hỗ trợ, trợ giá thông qua cơ chế giá thuê đất thấp, chưa sát với thị trường; được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất không phù hợp với quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh ưu đãi về đất đai đối với DN sản xuất CNHT thì cũng cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách đối với các ngành cung ứng và sản xuất nguyên vật liệu chủ chốt (sắt, thép, nhựa, hóa chất, cao su…) để chủ động cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành CNHT; DN, tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ phát triển các công nghệ cơ bản như khuôn mẫu, đúc, dập, hàn, xử lý bề mặt và xử lý nhiệt để hỗ trợ tốt hơn cho DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ. Ngoài ra, để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, lạm dụng chính sách ưu đãi đầu tư thì quy hoạch phát triển CNHT cần phải được đi trước một bước và xây dựng trên cơ sở khoa học, phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Phát huy nguồn lực tài chính đất đai cho phát triển công nghiệp hỗ trợ
(Tài chính) Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình hội nhập của mỗi quốc gia. Do đó, để hỗ trợ cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng ngân hàng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về tài chính đất đai đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Xem thêm