Phát huy tối đa hiệu quả đầu tư công để thúc tăng trưởng

Theo Tô Hà - Khánh Giang/nhandan.vn

Hoạt động đầu tư công xác lập kỷ lục mới, khi ngân sách nhà nước dự kiến bố trí gần 2,9 triệu tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025. Tăng vốn cũng đồng nghĩa với những yêu cầu cao hơn về hiệu quả đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Tập trung cho dự án, công trình trọng điểm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động đầu tư công trong giai đoạn này sẽ hướng đến trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung vào ba đột phá chiến lược, các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao.

Đồng thời bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo.

Vốn đầu tư công sẽ tập trung cho xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn.

Đầu tư cho hạ tầng năng lượng; hạ tầng đô thị, hạ tầng tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

Phát triển hài hòa hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, logistics; phát triển đô thị và kinh tế đô thị.

Về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư, dự kiến vốn ngân sách Trung ương sẽ phân bổ cho 13 ngành, lĩnh vực. Trong đó, tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế, chiếm 74,1% tổng vốn kế hoạch.

Tiếp theo là lĩnh vực quốc phòng, chiếm 7,7%; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%; y tế, dân số và gia đình chiếm 3,2%; khoa học và công nghệ chiếm 1,8%.

Trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, giao thông là ngành nhận được sự ưu tiên cao nhất về bố trí vốn kế hoạch giai đoạn 2021-2025, chiếm 52,3% số vốn ngân sách Trung ương và 68,8% của số vốn kế hoạch bố trí cho các hoạt động kinh tế trong cùng giai đoạn.

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kế hoạch đầu tư công trung hạn xây dựng phương án bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên. Theo đó, sẽ thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch đã được tổng hợp, báo cáo trong giai đoạn trước; hoàn thành các dự án chuyển tiếp, giảm mạnh số dự án khởi công mới so với giai đoạn trước và tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn này là dưới 5.000 dự án.

Cụ thể, bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 100.000 tỷ đồng; trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới là 30.000 tỷ đồng; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững là 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, kế hoạch đầu tư cả giai đoạn cũng thực hiện bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp thuộc 21 chương trình mục tiêu của giai đoạn trước.

Vốn bình quân cho một dự án trong giai đoạn 5 năm tới là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Kịp thời tháo gỡ những nút thắt

Những những hạn chế, bất cập trong hoạt động đầu tư công của giai đoạn 2016-2020 cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn đánh giá để có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới.

Đó là tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có phần chững lại. Việc triển khai các công trình quan trọng quốc gia còn chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gồm các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, các tuyến đường ven biển gắn với đê biển, đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam; Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông…

Chưa kết nối và quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, thiếu các cảng biển, cảng đường sông hiện đại. Giao thông tại đô thị lớn vẫn ùn tắc; hạ tầng giao thông phát triển còn chưa đồng đều.

Bước vào năm đầu tiên của kỳ đầu tư trung hạn, hoạt động đầu tư công đang đối mặt với khó khăn mới do tình trạng tăng giá đột biến sốc của vật tư xây dựng. Thời gian vừa qua thị trường vật liệu xây dựng có biến động lớn, nhiều chủng loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng đột biến.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5-2021 đã tăng 7,6% so tháng trước, tăng 40,47% so cùng kỳ; chỉ số giá sản xuất nhôm tăng khoảng 50-60%, vật tư khác cũng tăng khoảng 15-25%..., gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhà thầu nếu không được điều chỉnh đơn giá.

Với chủ đầu tư ngoài nhà nước phải đối mặt với nguy cơ nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng, hoặc chấp nhận chi phí đầu tư tăng, thanh toán thiệt hại cho nhà thầu nếu tạm dừng dự án.

“Nếu không khẩn trương xử lý vấn đề tăng giá vật tư, vật liệu xây dựng và có giải pháp phù hợp đối với nhà thầu và chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch thực hiện vốn đầu tư công, đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ trong năm 2021 mà còn ảnh hưởng trong những năm tiếp theo vì nhiều dự án có thời gian thi công kéo dài trong vài năm”, TS Nguyễn Bính Lâm nhấn mạnh.

Sáu tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 30% kế hoạch. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ vừa qua có chuyển biến tích cực nhưng đóng góp vào tăng trưởng của yếu tố vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác.

Giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn đóng góp đến 53,3%.

Vì vậy tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Bởi 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. 

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thanh lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư công, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư theo quy định.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn…