Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Để thực hiện mục tiêu tăng tốc đầu tư công, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết chấm dứt đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài, kém hiệu quả.
Ngày 22/7, báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc tồn tại trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp về đầu tư công.
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; Khởi công một số công trình trọng điểm và dự án đường bộ cao tốc; đẩy mạnh triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.; Rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công theo hướng tập trung, ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm.
Trên thực tế, tình trạng giải ngân đầu tư công ì ạch của quý I/2021 đã có sự thay đổi khi kết thúc quý II/2021. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước.
Để thực hiện mục tiêu tăng tốc đầu tư công, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết chấm dứt đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài, kém hiệu quả. Thủ tướng cùng Thường trực Chính phủ đã chủ trì hàng loạt cuộc làm việc với các bộ, cơ quan liên quan để thảo luận, phân tích kỹ lưỡng về các nội dung này để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; yêu cầu kiên quyết giảm mạnh số lượng dự án chưa thật cần thiết, xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Theo Chỉ thị, số dự án giai đoạn 2021-2025 dự kiến dưới 5.000, giảm mạnh so với các nhiệm kỳ trước (số lượng các dự án đầu tư công các giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 lần lượt là 22 nghìn dự án và 11,1 nghìn dự án).
Trong những tháng còn lại của năm 2021, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”. Ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra là thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Trong đó, Chính phủ sẽ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, kém hiệu quả; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hạ tầng chiến lược, các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa, phát huy vai trò vốn “mồi” của đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển...