Phát triển công nghiệp chế biến để tăng giá trị hàng hóa và việc làm

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong năm 2014, nước ta đã xuất khẩu được khoảng 30 tỷ USD các loại nông, lâm, thủy sản, nhưng phần lớn được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị không cao. Vì vậy, theo nhiều ý kiến chuyên gia, cần phải nâng cao vai trò của doanh nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến. Đây là yêu cầu cấp thiết để nâng cao giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát triển công nghiệp chế biến để tăng giá trị hàng hóa và việc làm
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản là một bộ phận của ngành công nghiệp chế biến, ngành công nghiệp dùng nguyên liệu nông nghiệp, thực hiện các hoạt động bảo quản, giữ gìn, cải biến và nâng giá trị sử dụng của nguyên liệu nông, lâm nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp chế biến nông sản năm 2013 của Bộ NN và PTNT đối với 12 ngành hàng, trong đó, chủ yếu là lúa gạo, cà phê, cao su, chè, điều… cả nước có khoảng 6.610 doanh nghiệp và hàng nghìn hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản. Ngành chế biến nông, lâm, thủy sản đang chiếm một tỷ trọng đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp chế biến với khoảng 20% GDP. Chế biến nông sản ở quy mô công nghiệp đã thu hút khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp, với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta chưa tương xứng với tiềm năng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ các hộ gia đình nông dân phát triển sản xuất. Điển hình, trong năm 2014, nước ta đã xuất khẩu được khoảng 30 tỷ USD các loại nông, lâm, thủy sản, nhưng phần lớn trong số đó được xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô. Theo đánh giá của Bộ NNPT và NT, giá trị hàng nông sản nước ta thường thấp hơn từ 15 - 50% so với các sản phẩm cùng loại từ những nước khác. Nguyên nhân do cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm; sản xuất nông nghiệp đạt ngưỡng về năng suất, sản lượng đối với nhiều loại nông sản. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến còn kém phát triển; quy mô công nghiệp chế biến nông sản hiện còn nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu. Do đó, việc phát triển công nghiệp chế biến là yêu cầu cấp thiết để nâng cao giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là động lực quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản.

Để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, nhiều chuyên gia cho rằng, rất cần sự quan tâm, đầu tư của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát khẳng định, phát triển công nghiệp chế biến nông sản đồng nghĩa với sự khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Việc đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến tinh, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao của các doanh nghiệp là một ưu tiên hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo Trưởng đại diện Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Việt Nam Henning Pedersen, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ dàng hình thành dự án và triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng rộng rãi hơn các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm; tạo ra chuyển biến rõ rệt về chất lượng và vượt qua được các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ NN và PTNT thực hiện rà soát lại cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nông sản nói riêng để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp phát triển.