Phát triển công nghiệp môi trường: Kinh nghiệm Hàn Quốc

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Cái giá phải trả cho công nghiệp hóa nhanh của Hàn Quốc là ô nhiễm môi trường những năm cuối thế kỷ XX. Chính phủ Hàn Quốc đã làm thế nào để khắc phục và Việt Nam có thể rút được kinh nghiệm gì?

 Phát triển công nghiệp môi trường: Kinh nghiệm Hàn Quốc
Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho công nghệ môi trường. Nguồn: internet

Được Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI), thuộc Bộ Môi trường mời tham gia chuyến tham quan giới thiệu (familiarization tour) tôi cảm thấy đây là một cơ hội tốt để tìm hiểu “đất nước Kim chi” với nhiều thương hiệu nổi tiếng mà bấy lâu mới chỉ được tiếp cận qua sách, báo và các công trình nghiên cứu. Lòng tôi không tránh khỏi những cảm xúc tò mò muốn sớm được “mục sở thị!”.

Trong dịp cuối năm 2014 này, giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đang diễn ra một sự kiện trọng đại là Chính phủ hai nước đã hoàn tất các thủ tục đàm phán để tiến tới ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong nay mai.

Sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Hàn Quốc đã trở thành nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam trong tổng số 100 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư từ Hàn Quốc đã đạt khoảng 37 tỷ USD. Đồng thời, Hàn Quốc cũng là đất nước có lượng khách du lịch lớn thứ 2 và là nhà tài trợ ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam (chỉ đứng sau Nhật Bản).

Tham gia đoàn tham quan giới thiệu năm 2014 có đại diện báo chí của 3 quốc gia đến từ các nước thành viên của ASEAN, 2 phóng viên - biên tập viên đến từ Malaysia và phóng viên đến từ Indonesia). Đoàn Việt Nam có tôi và anh Lê Xuân Dũng - Phó Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường. Chủ đề của chuyến tham quan giới thiệu lần này là về công nghiệp và công nghệ môi trường. Lịch trình của đoàn chúng tôi gần như dày đặc, tham gia một cuộc hội thảo giới thiệu về những thành tựu mới, tiên tiến trong công nghệ và công nghiệp môi trường, đi thăm quan 3 cơ sở xử lý nước, rác thải… chỉ trong 3 ngày từ 09/12 đến hết ngày 11/12/2014.

Nhìn lại một chút về lịch sử công nghiệp hóa của Hàn Quốc

Hơn 50 năm về trước, Hàn Quốc cũng mới chỉ là một nước nông nghiệp nghèo nàn, 85% dân số sống bằng nghề nông và ngư nghiệp, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức dưới 200 USD/người/năm. Chỉ sau khoảng 30 năm tiến hành công nghiệp hóa, vào những năm 1990, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp, với 85% dân số sống ở đô thị, quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ 10 thế giới (thời điểm kết thúc giai đoạn công nghiệp hóa cuối thế kỷ XX, nay đứng thứ 13).

Năm 1998, Hàn Quốc gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nghĩa là đứng trong hàng ngũ của những nước công nghiệp phát triển. So với Việt Nam, diện tích chỉ bằng 1/3, dân số bằng trên 1/2 (đến giữa năm 2014 dân số Hàn Quốc đã đạt con số 50 triệu người). Điểm xuất phát của Hàn Quốc năm 1960 cũng gần tương tự điểm xuất phát của Việt Nam khi bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa khoảng 30 năm về trước, chỉ khác là chúng ta có quy mô dân số đứng thứ 13 thế giới. Hàn Quốc đã trở thành một trong 4 con rồng châu Á, được cả thế giới biết đến như một kỳ tích của công nghiệp hóa nhanh.

Cái giá môi trường của tốc độ công nghiệp hóa nhanh

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh thì phá hủy môi trường cũng diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt. Ô nhiễm không khí, nước, rác thải và mưa a xít đã trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái ở Hàn Quốc những năm cuối thế kỷ XX.

Theo số liệu nghiên cứu, năm 1990, lượng khí CO2 thải ra của Hàn Quốc là 310 triệu tấn, đến năm 2004 đã tăng lên 590 triệu tấn, tương đương với 1,8% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Các ngành công nghiệp nặng và chế biến đã tiêu thụ khoảng 30% năng lượng của Hàn Quốc, trong khi cùng những ngành này thì Nhật Bản tiêu thụ 20%, Mỹ với quy mô kinh tế lớn nhất thế giới cũng chỉ tiêu thụ 14% năng lượng cho các ngành công nghiệp nặng và chế biến.

Theo báo cáo của Bộ Môi trường Hàn Quốc năm 1996, chỉ có 31% nước thải đô thị đổ vào sông Kum là được xử lý, tỷ lệ này ở sông Nakdong là 33%, sông Yongsam là 48% và cao nhất lúc đó là sông Hàn thì cũng chỉ xử lý được 69%.

Diện tích lãnh thổ hẹp, phần lớn là núi đá vôi, dân cư đông đúc, đã làm cho Hàn Quốc được xếp vào hàng các nước có mức độ thải rác cao nhất thế giới. Nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Seoul đã lâm vào tình trạng khủng hoảng rác, có lúc đến cao điểm, gây ra những phản ứng nhất định trong dân chúng.

Cách làm của Hàn Quốc

Trước những vụ scandal về ô nhiễm không khí, nước và rác thải, Chính phủ Hàn Quốc đã phải chi những khoản tiền lớn để khắc phục. Nhưng không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, đầu những năm 1990 đã chi một khoản 3,5 nghìn tỷ Won (khoảng 4,5 tỷ USD theo thời giá) để cải thiện chất lượng nước. Nhưng đến năm 1993, Bộ Môi trường đã thừa nhận rằng, không những kế hoạch cải thiện chất lượng nước thất bại mà tình hình còn xấu đi.

Nhiều nghiên cứu đã được triển khai để tìm đúng căn nguyên của ô nhiễm và đưa ra giải pháp khắc phục. Chẳng hạn, các nhà khoa học đã làm rõ, ô nhiễm nước lại có nguyên nhân chính từ việc sử dụng quá mức phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên 1 ha canh tác đã tăng 30% trong vòng 10 năm, từ 69 kg năm 1980 đã tăng lên 91 kg năm 1990.

Hay như vấn đề rác thải, nhất là rác thải trong thành phố. Căn nguyên là từ lối sinh hoạt và những thói quen xấu, vứt rác bừa bãi của cư dân.

Chúng tôi đến Thủ đô Seoul vào những ngày đông giá rét, trung tuần tháng 12/2014, nhiệt độ ngoài trời khoảng âm 5oC. Cảm nhận đầu tiên khi rảo bước trên các con phố với những ngôi nhà cao tầng chọc trời là một thành phố sạch sẽ, không bụi bặm. Cũng có những hàng quán bán thức ăn đường phố, nhưng đâu đâu cũng thấy gọn gàng, ngăn nắp và đặc biệt là rác thải, bụi đường luôn được quản lý chặt chẽ.

Để giải quyết vấn đề rác thải nơi dân cư, chính quyền đã tổ chức tốt việc phân loại rác sinh hoạt và phát triển các cơ sở tái chế. Từ tháng 1/1995, Chính phủ thực hiện một chính sách thu phí đổ rác theo khối lượng. Theo quy định mới, thay vì nộp phí thu gom rác thải, các hộ gia đình phải mua túi đựng rác từ chính quyền Thành phố. Bản thân cấu tạo các loại túi đựng rác đã hướng dẫn cho dân cách phân loại, tỷ mỉ tới mức phải phân loại rác theo kích thước và tập trung những rác có thể tái chế, như: giấy, plastic, đồ gỗ… vào một nơi nhất định. Thùng rác không những có cấu tạo nắp đầy kín, mà còn có khóa từ, các chủ hộ trong khu dân cư mới được sử hữu thẻ từ để mở các khóa này.

Khoản thu từ tiền bán túi đựng rác được chính quyền địa phương dùng để hỗ trợ cho kinh phí cho việc thu gom, chuyên chở rác và cả tái chế. Để mọi người quen với quy định mới, Chính phủ đưa ra mức phạt 100.000 Won (khoảng 125 USD) với những hộ nào vi phạm quy định. Ngoài việc bị phạt tiền những người vi phạm còn bị nêu tên trên báo địa phương và bị coi như người vi phạm luật. Cách làm này tựa như “phạt nặng tội nhẹ sẽ tránh được xảy ra tội nặng” thời nhà Lê trong sử sách của Việt Nam (Luật Hồng Đức).

Cơ sở đầu tiên mà chúng tôi được đến tham quan là một nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt, có tên Mapo Resource Recovery Plant, nằm cách trung tâm Seoul khoảng một giờ đi ô tô. Đầu vào là rác vô cơ, có thể cháy được. Mỗi ngày nhà máy thu nhận được khoảng gần 750 tấn rác. Đầu ra là nhiệt lượng và sản xuất điện, ước tính ngang bằng 27.276 tấn TOE (Ton of Oil Equivalent). Hoạt động của nhà máy có thể giúp giảm được 645 tấn khí nhà kính. Điện năng phát ra, nhà máy sử dụng lại khoảng 60%, phần 40% còn lại nhà máy bán ra ngoài.

Đọc trong bản giới thiệu cơ chế hoạt động của Nhà máy, tôi thấy có dòng viết rằng, việc cắt giảm được 645 tấn khí nhà kính/năm tương đương với 230.000 cây xanh, tôi bỗng nhớ lại một bài báo tôi cùng TS. Chu Tiến Quang của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã viết trên Tạp chí Cộng sản số 125/ năm 2007, trong đó có nêu dẫn chứng rằng, giá trị mà các cánh đồng lúa cung cấp cho việc bảo vệ môi trường ước khoảng 7,8-13,4 tỷ Won hàng năm, lớn hơn giá trị kinh tế của sản phẩm lúa gạo, chính là xuất phát từ cách tính như vậy.

Một phóng viên tên Siwi Yunita Cahyaningrum trong đoàn đến từ Indonesia nói (nửa đùa): “Chúng ta đến thăm quan nhà máy xử lý rác mà chẳng thấy rác ở đâu?!” Nhìn vào các thông số kỹ thuật mới thấy hết được hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của nó. Lượng khí sau khi đã được lọc kỹ đưa ra môi trường không những đạt chuẩn cho phép mà còn giảm tới mức chỉ bằng 1/100 ngưỡng an toàn về một số loại chất trong khí thải.

Đối với rác thải hữu cơ, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã phát triển công nghệ theo nhiều hướng. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là công nghệ ép khô, nước thu gom được từ ép khô rác thải hữu cơ đưa về tập trung tại một nhà máy, sử dụng công nghệ vi sinh, lên men để lấy khí sinh học, sau đó đốt khí sinh học để chạy máy phát điện. Nhà máy mà chúng tôi được đến tham quan có công suất xử lý 6.700 m3 nước ép từ rác (leachate treatment capacity). Phần bã thu được sau khi ép khô được sử dụng làm phân bón hoặc thành một loại nhiên liệu có thể đốt được như than.

Loại rác thải không thể xử lý được theo hai cách trên thì được chôn lấp. Từ các hố chôn lấp khổng lồ trên một cánh đồng rộng mênh mông, chúng tôi thấy mọc lên nhiều những ống hình trụ. Đó chính là những ống thu gom khí sinh học phát ra từ quá trình phân hủy tự nhiên của rác chôn lấp. Bãi chôn lấp mà đoàn đến tham quan nằm ở thành phố Incheon (nơi có sân bay quốc tế cùng tên) nằm cách Thủ đô Seoul khoảng 80 km. Theo quy trình kỹ thuật, sau khi thu gom xong khí mê-tan, bãi chôn được xây dựng thành công viên cây xanh, có tên Dream Park (công viên mơ ước).

Tóm lại, Chính phủ Hàn Quốc không những đã chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường, mà rõ ràng đã đầu tư đúng hướng và tới nay đã thu lượm được kết quả khả quan. Trong nhãn quan của giới báo chí, cũng như giới học thuật ở Việt Nam, bên cạnh các thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, mang một thương hiệu quốc gia nổi tiếng với tên gọi “Kỳ tích sông Hàn”, thì những nỗ lực và kết quả đạt được của Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường những năm gần đây cũng hết sức ấn tượng.

Nhưng hơn cả những điều đó còn là ở chỗ, Hàn Quốc luôn thể hiện là một Quốc gia công nghiệp phát triển có trách nhiệm cao trong hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực. Người Việt Nam đánh giá cao vai trò của Hàn Quốc trong các hoạt động quốc tế về bảo vệ môi trường, và gần đây là sáng kiến của Hàn Quốc về “tăng trưởng xanh”, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng năng lượng thay thế, thân thiện với môi trường.

Việt Nam - một thị trường tiềm năng cho công nghệ môi trường

Nhạy cảm với vấn đề tìm kiếm và khai thác thị trường có lẽ đã ăn sâu trong tố chất của người Hàn. Không những là quốc gia đầu tư nhiều dự án FDI nhất vào Việt Nam, mà nhiều các tập đoàn lớn, thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đã quyết định gắn bó lâu dài trong chuyện làm ăn trên đất Việt, như: Samsung, Lotte, Huyndai, LG…

Năm 2012 đã diễn ra “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc về công nghệ xanh 2012”.

Hạ tuần tháng 10/2014 tại Việt Nam đã tổ chức thành công “Diễn đàn doanh nghiệp môi trường Việt - Hàn 2014”

Nhu cầu công nghệ và đầu tư cho lĩnh vực môi trường của Việt Nam đang mở ra những hướng phát triển mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam vẫn còn trên 20% các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các khu xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt là xử lý chất thải nguy hại còn thiếu và mới chỉ được thực hiện ở các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ.

Các con số thống kê về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra gần đây cũng rất đáng lo ngại: 85% các đô thị đang sử dụng các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh, chỉ khoảng 9% đô thị có nhà máy xử lý rác thải kết hợp chế biến phân hữu cơ. Công nghệ nhìn chung còn đang rất lạc hậu.

Ước tính, lượng nước thải các loại chưa được xử lý trên cả nước đã lên tới 1,5 tỷ m3/ năm, trong đó, nước thải các khu đô thị và khu công nghiệp khoảng 1 tỷ m3/năm.

Mỗi ngày, trên địa bàn Hà Nội thải hơn 260.000 m3 nước thải công nghiệp, còn tại hệ thống sông Đồng Nai mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 1,5 triệu m3 nước thải công nghiệp.

Khoảng 90% doanh nghiệp trong tổng số 500 doanh nghiệp sản xuất giấy trong cả nước không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn hoặc không vận hành thường xuyên.

Theo TS. Đặng Văn Lợi, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, nhu cầu đầu tư cho bảo vệ môi trường của 16 ngành và lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam dự kiến có thể lên tới hơn 7,6 tỷ USD, có những ngành cần số tiền lớn, như: thủy sản, thép, điện lực, giấy, hóa chất, các khu công nghiệp và dệt may...

Triển vọng đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực môi trường

Theo số liệu thống kê, từ năm 2008 đến nay, Hàn Quốc đã thực hiện 31 dự án về xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng môi trường ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến 3,1 tỷ Won, trong đó có 12 dự án là hợp tác giữa hai nước.

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Việt Nam đã nhận định rằng, số các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực môi trường, trong đó có xử lý chất thải, vào Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng.

Thay cho lời kết

Thứ nhất, qua các cách làm của Hàn Quốc, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao. Mọi nơi, đâu có dân cư sinh sống đều có một nếp sinh hoạt gọn gàng, sạch sẽ. Điều đó là rất đáng học tập. Ở Hà Nội thôi, cũng đã đầu tư nhiều tiền của để thiết lập các thùng đựng rác có bằng màu khác nhau để phân biệt rõ: Rác phân hủy được, Rác không phân hủy được…, nhưng rồi dường như đã thất bại. Nhiều công trình xây dựng, sửa sang, đào bới để vương vãi đất, cát ra đường, từ đó lại biến thành bụi bốc lên…, mà không ai có trách nhiệm xử lý. Chúng ta như quen cái kiểu “xuề xòa” với nhau nên quanh năm “thành phố như một công trình”, mà không biết đến bao giờ mới khắc phục được để trở thành một thành phố văn minh, sạch sẽ.

Thứ hai, mỗi khi lợi ích đã rõ cho mọi đối tượng thì dễ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Theo nhận xét của một quan chức OECD thì chưa có một nước công nghiệp nào lại có sự thay đổi về chính sách nhanh và quyết liệt như thế. Biện pháp mới này đã góp phần làm giảm khối lượng rác thải, giảm bớt sự căng thẳng về nơi đổ rác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển công nghiệp tái chế. Hàng năm, Chính phủ Việt Nam cũng phải chi không ít tiền của cho “sự nghiệp môi trường”, nhưng xem ra mức độ thay đổi công nghệ còn rất chậm, điều đó không thể không đặt dấu hỏi lớn vào tính hiệu quả của các dự án, cũng như cơ chế sử dụng nguồn kinh phí này. Có một câu trả lời chắc chắn nhiều người đã rõ là nếu chúng ta chậm chạp, những thảm họa môi trường sẽ xảy ra, thì chi phí cho việc khắc phục còn cao gấp hàng trăm lần so với đầu tư phòng tránh ngay từ đầu. Với Luật Đấu thầu năm 2014 có hiệu lực, hy vọng những dự án sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường này của Nhà nước sẽ được sử dụng đúng cách và hiệu quả hơn.

Thứ ba, khi đã có công nghệ xử lý môi trường tốt, thì phải tìm kiếm thị trường để chuyển giao, biến thành một ngành công nghiệp môi trường phát triển mạnh. Công nghiệp môi trường, không hẳn là một khái niệm, mà đối với Hàn Quốc thực sự là một ngành kinh tế mới. Sau một thời gian triển khai nghiên cứu và phát triển, đến nay, quốc gia này đã vững tin xuất khẩu công nghệ môi trường. Con đường mà Hàn Quốc đã đi là như vậy.

Thứ tư, Việt Nam là một đất nước có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, cái hay của khí hậu này là quanh năm, bốn mùa cây cối xanh tươi. Cây xanh là những “lá phổi” của môi trường thì dường như ai cũng biết, nhưng để sử dụng hết lợi thế của một đất nước có điều kiện tốt như vậy để cải tạo môi trường, môi sinh một cách ít tốn kém nhất, bền vững nhất, chắc lẽ cũng còn nhiều việc phải bàn và phải làm.

Tài liệu tham khảo:

1. Chu Tiến Quang – Lê Xuân Đình (2007): Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển nông nghiệp bền vững, Tạp chí Cộng sản, số 125

2. KIETI (2014): Conference of Korea’s advanced Environmental Technologirs. Environmental Business Familiarization Tour 2014, 10 December 2014, Seoul, Korea.

3. Ministry of Envirinment, KEITI (2013): Korea Environmental Industries for Global Sustainability 2013, Seoul

4. Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2014): Kỷ yếu Diễn đàn Tăng trưởng xanh và tái cơ cấu nền kinh tế, Hà Nội