Đóng góp cho ngân sách và kinh tế địa phương

Trong những năm qua, công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) nói chung và ngân sách nhà nước của tỉnh nói riêng, điều đó được thể hiện trên một số thành tựu chủ yếu sau:

Thứ nhất, sự phát triển của công nghiệp nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh theo hướng hiệu quả hơn. Số cơ sở công nghiệp nông thôn năm 2013 tăng thêm hơn 2.028 cơ sở so với năm 2008 với tốc độ tăng bình quân 2,9%. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp trong GDP giảm dần từ 37,92% năm 2008 xuống còn 22,74% năm 2013; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên khá, trong đó riêng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đã có sự tăng nhanh, từ 27,98% năm 2008 lên 39,24% năm 2013... Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Thứ hai, sự phát triển của công nghiệp nông thôn đã góp phần thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh, hình thành nên nhiều vùng chuyên canh với trình độ thâm canh cao để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu, hình thành và phát triển các cụm công nghiệp; góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống cho nhân dân. Công nghiệp nông thôn đã tạo công ăn việc làm thương xuyên không chỉ cho 5,31% lao động xã hội đang hoạt động trong các cơ sở công nghiệp nông thôn mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho một khối lượng lớn lao động khác; Tạo được một lượng sản phẩm đáng kể thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của dân cư, đóng góp tích cực vào tỷ trọng xuất của địa phương…

Thứ ba, sự phát triển của công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh tạo thúc đẩy sự phát triển văn hóa xã hội ở nông thôn, tác động tích cực đến sự phát triển y tế, giáo dục ở khu vực nông thôn. Ngoài ra nhân dân còn góp sức cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi khác như: giao thông nông thôn, điện, nước sạch… nhờ đó tỷ lệ dùng điện trên địa bàn tỉnh đạt 99,78%, tỷ lệ dùng nước sạch đạt 70%.

Thứ tư, sự phát triển của công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn. Việc hình thành các cụm công nghiệp, làng nghề... đã kéo theo hàng loạt các hoạt động kinh tế khác như phát triển sản xuất. dân cư. Kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn được mở rộng đầu tư tạo đà cho sự phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

Một số kiến nghị

Trong những năm qua, công nghiệp nông thôn phát triển vẫn còn đối mặt một số hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ bé, tốc độ phát triển còn chậm, cơ cấu loại hình DN nhỏ chiếm tỷ trọng lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng còn nhiều hạn chế… Trong bối cảnh đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhằm tạo động lực để công nghiệp nông thôn đóng góp nhiều hơn trong phát triển kinh tế và ngân sách địa phương, cần chú ý đến một số giải pháp trọng tâm dưới đây:

Một là, quy hoạch và quản lý quy hoạch, thúc đẩy sản xuất phát triển

Cần sớm xây dựng quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, các trung tâm kinh tế, thương mại góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông - lâm - thủy sản ở khu vực nông thôn. Tổ chức không gian hợp lý để bố trí các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ và các làng nghề ở nông thôn. Kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp theo Nghị quyết số 73/2013/NQ-HĐND ngày 18/3/2013 của HĐND tỉnh về phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020... Quy hoạch trung tâm thương mại- dịch vụ quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống tại các đô thị lớn, khu du lịch; hình thành các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề; phát triển các điểm thương mại dịch vụ trong xây dựng nông thôn mới để góp phần tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tại chỗ...

Hai là, đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Cần đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, tăng cường thông tin dự báo thị trường. Triển khai đồng bộ chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đối với sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh, xây dựng thương hiệu mẫu mã hàng hóa sản phẩm công nghiệp nông thôn bảo đảm độ tin cậy nhất định của người tiêu dùng... Ngoài ra, cần quan tâm, phát triển hệ thống các chợ, điểm thương mại dịch vụ ở nông thôn để làm cầu nối lưu thông hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp, giữa nông thôn với thành thị. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển KT-XH ở nông thôn ngày càng cao, tăng sức mua, tạo cơ sở tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp nông thôn, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý hàng lậu, hàng giả.

Ba là, huy động vốn và cơ cấu nguồn vốn để phát triển công nghiệp nông thôn

Với mục tiêu huy động nguồn vốn khoảng 8.160 tỷ đồng để phát triển công nghiệp nông thôn đến năm 2020, cần tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương để thu hút các nguồn vốn ODA, ngân sách trung ương, lồng ghép từ nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư hạ tầng cho các cụm công nghiệp, làng nghề. Đối với nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã được huy động, cần lồng ghép từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các dự án đầu tư, đề tài, dự án trọng điểm để phát triển kinh tế của tỉnh, nhằm đảm bảo hiệu quả và ổn định ngân sách trong thời kỳ phát triển. Tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách tỉnh, nguồn từ các quỹ, sự nghiệp ngành và nguồn kinh phí khuyến công địa phương hàng năm với nguồn vốn khoảng 17,67%. Khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư dưới nhiều hình thức như quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, quỹ khuyến công; quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ; quỹ bảo lãnh tín dụng cho cơ sở công nghiệp nông thôn...

Bốn là, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ

Hỗ trợ nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản phẩm mới có chất lượng cao. Khuyến khích và hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp nông thôn. Chú trọng phát triển thị trường dịch vụ khoa học và công nghệ. Tăng cường đội ngũ lao động có kỹ thuật, nâng cao trình độ văn hoá và trình độ chuyên môn của người lao động, mở các lớp huấn luyện, đào tạo tại chỗ ngắn ngày theo chương trình phù hợp...

Năm là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực

Để đảm bảo lực lượng lao động cho công nghiệp nông thôn đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong thời gian tới cần cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau: Hỗ trợ người nông dân chuyển đổi nghề nghiệp; Không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, nhằm giúp lao động nông thôn có thể dễ dàng tiếp cận với những nghề phi nông nghiệp...

Sáu là, đầu tư phát triển hạ tầng cho nông thôn

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH, đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu của sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển nông thôn, thì hệ thống hạ tầng đó vẫn trong tình trạng thấp kém, còn thiếu đồng bộ. Trong thời gian tới, phát triển hệ thống giao thông cần phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng mới với việc cải tạo, duy trì và bảo dưỡng hệ thống đường xá hiện có. Cần nâng cấp chất lượng đường giao thông liên huyện, liên xã và các đường nối với trọng điểm kinh tế, dịch vụ và thương mại. Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và địa phương cùng với việc huy động đóng góp trực tiếp, tại chỗ của dân cư và các DN, huy động sự đóng góp của các thành phần kinh tế theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”...

Phát triển công nghiệp nông thôn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương

ThS. NGUYỄN ĐỨC HÀ

(Tài chính) Trong những năm qua, công nghiệp nông thôn góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển, đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đối với nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh, đóng góp của lĩnh vực công nghiệp nông thôn đối với kinh tế địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, dẫn tới sự lãng phí lớn về tài nguyên, ngân sách, bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư và phát triển cho công nghiệp nông thôn.

Xem thêm

Video nổi bật